Hiểu sao về việc 3 chánh án huyện cùng ngồi HĐXX phúc thẩm?

Chiều 1-6, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm, tuyên bố kiểm lâm Phan Tiến Dũng và bốn bị cáo khác không phạm tội trộm cắp tài sản trong vụ cưa cây gỗ chết khô màPháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh.

Đáng chú ý, HĐXX tuyên năm bị cáo không phạm tội gồm: Chủ tọa Nguyễn Minh Thành (Chánh án TAND huyện Kon Rẫy), ông Phạm Hữu Luân (Chánh án TAND huyện Đăk Glei), ông Trần Phú Lợi (Chánh án TAND huyện IA H’Drai). Cả ba đều là thẩm phán của tòa các huyện được điều động về TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm vụ án này.

HĐXX phúc thẩm vụ án.

Đây là một trường hợp tố tụng khá lạ nên nhiều bạn đọc có thắc mắc về pháp lý.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên thẩm phán Vũ Phi Long, từng làm phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP.HCM, cho biết HĐXX phúc thẩm như trên trước hết khẳng định là đúng quy định của luật.

Ông Long giải thích: HĐXX phúc thẩm cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương trước hết phải là các thẩm phán có trình độ trung cấp. Theo quy định hiện tại của ngành tòa án, các chánh án quận, huyện thường là các thẩm phán có trình độ trung cấp. Do đó, việc chánh án TAND cấp tỉnh điều động các thẩm phán trung cấp này để hợp về thành HĐXX một vụ án thuộc thẩm quyền tòa cấp tỉnh là phù hợp, đúng luật. 

Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý, các thẩm phán trong HĐXX này không được là thẩm phán từng ngồi xét xử sơ thẩm vụ án. Cũng cần phân biệt ngay cả chánh án huyện của tòa sơ thẩm từng xét xử vụ án nhưng không thuộc thành phần HĐXX sơ thẩm vẫn có thể tham gia xét xử phúc thẩm. Vì về nguyên tắc, HĐXX độc lập khi xét xử.

Trên thực tế, việc chánh án tỉnh, thành phố điều động các thẩm phán trung cấp từ các quận, huyện để xét xử phúc thẩm là hiếm nhưng vẫn phù hợp. Thường chánh án chỉ điều động các thẩm phán trung cấp đang công tác ở TAND tỉnh, thành phố về quận, huyện để giải quyết án phức tạp tại địa phương.

Theo hồ sơ, tháng 4-2016, kiểm lâm Dũng để cho bốn người dân là Lê Quốc Khánh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa một cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện (khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ có 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy bản án sơ thẩm nhưng xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9-2017, TAND huyện vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm