Hình Phước Long- Nhạc sĩ của Trường Sa

Sống bình dị trong căn nhà chật hẹp ở hẻm nhỏ của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hàng chục năm qua, nhạc sĩ Hình Phước Long âm thầm thổi bùng tình yêu quê hương, đất nước trong lòng người yêu nhạc bằng những bài hát viết về biển đảo thân yêu, như: Gần lắm Trường Sa, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Vầng trăng nơi đảo xa… “Mỗi bài hát là một đứa con tinh thần mà tôi nặng nợ sinh ra. Mỗi tác phẩm viết về Trường Sa là mỗi lần tôi trăn trở, là nỗi nhớ, là món nợ với quê hương” - nhạc sĩ Hình Phước Long chia sẻ.

Món nợ “Gần lắm Trường Sa”

Những ngày này, bài hát Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long trở nên da diết, cảm xúc hơn trong lòng người nghe qua giọng hát của nhiều ca sĩ: … Không xa đâu Trường Sa ơi/Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh… Bài hát Gần lắm Trường Sa ông viết khi chưa được đặt chân đến Trường Sa nhưng vẫn ngập tràn hình ảnh và cảm xúc.

Nhạc sĩ Hình Phước Long và những sáng tác của mình: bản viết tay tác phẩm Gần lắm Trường Sa

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Khánh Hòa, biển đã thấm vào tâm hồn người con xứ này như một phần máu thịt. Vào năm 1980, khi còn là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh, nhạc sĩ Hình Phước Long được Lữ đoàn Trường Sa 146 mời vào Vùng 4 Hải quân giúp làm chương trình dự hội diễn văn nghệ quần chúng. Tại đây, ông may mắn được xem một bộ phim tài liệu vừa mới quay ở Trường Sa gửi về đất liền. Những hình ảnh đầu tiên về người lính hải quân kiên cường bám đảo, những chú chim hải âu tung cánh, cây phong ba hiên ngang giữa biển... in hằn trong tâm trí ông. Thầm cảm phục những người lính, ông đã ghi vào sổ lưu niệm ở lữ đoàn hứa viết một ca khúc về Trường Sa. Lời hứa đó như món nợ đeo đẳng người nhạc sĩ. Để rồi 2 năm sau, trong dịp dự trại sáng tác âm nhạc của tỉnh Phú Khánh, một chiều đạp xe trên đường Trần Phú, TP Nha Trang, nhạc sĩ Hình Phước Long bắt gặp hình ảnh một cô gái xõa tóc dài mắt nhìn về biển xa. Ông tưởng tượng đến người phụ nữ có người yêu, chồng đang làm nhiệm vụ canh giữ Trường Sa. “Lúc đó, tôi nhớ 2 câu hát trong lời ru của mẹ: Khi xa sát vách cũng xa/Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần nên đã bật lên trong đầu một tứ nhạc. Tôi lật sổ tay và viết: “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...” - ông kể.

Chiều đó, ông lật đật về Ninh Hòa thăm mẹ, ở đây những ca từ dào dạt trong ông tuôn trào: “Chiều Nha Trang, sao bỗng bâng khuâng, như thấy anh đang sừng sững kiên trung giữa pháo đài giữ đảo…”, ông cho biết mình viết một mạch bài Gần lắm Trường Sa mà không phải chỉnh nốt nhạc, ca từ nào.

Bằng cảm xúc thật của tác giả, tác phẩm này sau khi ra đời ngay lập tức tạo nên một cơn sốt trong đời sống ca nhạc vào thời điểm đó. Hơn 150.000 băng cassette thu âm bài hát bán khắp thị trường. Đến nay, sau hơn 20 năm, tác phẩm vẫn khiến thính giả rung động mỗi khi nghe lại, cảm nhận được những cung bậc tình cảm của tác giả về Trường Sa thân yêu.

Tâm sự về tác phẩm này, nhạc sĩ Hình Phước Long cho biết: “Tác phẩm sống được trong lòng thính giả đó là điều hạnh phúc đối với nhạc sĩ. Nhiều ca sĩ khi thể hiện bài hát đã thay ca từ “Nha Trang” thành “nơi đây”. Sự chỉnh sửa này chứng tỏ Trường Sa - biển đảo thiêng liêng - không gắn với địa phương nào cả, Trường Sa là của dân tộc, của mọi người dân Việt Nam”.

Nặng tình

Kể về Trường Sa, người nhạc sĩ già không sao quên được vào năm 1984 khi ông được ra thăm Trường Sa. Chuyến đi kéo dài gần một tháng, ông lần lượt đặt chân lên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, An Bang... Thời đó, mọi thứ còn hoang sơ, thiếu thốn, người lính âm thầm đối diện với sóng gió, gian nguy đã khiến tâm hồn người nhạc sĩ xao động. Tại đảo Sơn Ca, nhạc sĩ Hình Phước Long sáng tác bài Tiếng hát đảo Sơn Ca với ca từ sâu sắc như: “Đảo Sơn Ca vắng tiếng sơn ca/Chỉ có tiếng hát của những người chiến sĩ/Anh bỗng trở thành loài chim quý/Hát giữa đảo ngàn thay tiếng hát sơn ca…”.

Kể về ấn tượng sâu sắc của mình, ông nói: “Hình ảnh mà tôi không bao giờ quên là cứ chiều về, không khí ở đảo im ắng lạ thường. Thì ra, những người lính đều tập trung về phía Tây, ngồi lặng thinh nhìn mặt trời buông xuống. Hỏi ra, mới biết những người lính muốn gửi nỗi nhớ quê nhà về đất mẹ theo những buổi hoàng hôn. Thời nào cũng vậy, người lính đảo kiên cường lắm, không sợ khổ, không sợ nguy hiểm, chỉ sợ cô đơn…”. Từ hình ảnh này, ông sáng tác bài Nhớ thầm: “Là anh lính Trường Sa đời giông tố đã quen vẫn khát khao yêu và yêu tha thiết/ Dù xa nghìn trùng xa thì người lính vẫn nhớ, hàng tre em về qua một chiều nắng xõa tóc…”.

Trăng ở Trường Sa đẹp lung linh, ánh sáng chiếu vàng cả mặt biển. Trăng sáng đến mức người lính có thể ngồi đọc được thư nhà. Từ ánh trăng này, bài hát Vầng trăng nơi đảo xa ra đời với cảm xúc đặc biệt: “Đêm nay nơi Trường Sa có một vầng trăng sáng/Trăng sáng đến lạ thường/Ngồi đọc thư người thương/dát vàng khuông nét chữ/Đồng đội không ai ngủ/Mỗi người một vầng trăng...”. Sau chuyến đi này, một loạt tác phẩm ra đời như: Tâm tình người lính Trường Sa..., Khi người lính hát, Đêm trên đảo Thuyền Chài…

Mỗi nhạc phẩm của nhạc sĩ Hình Phước Long viết về Trường Sa là bắt nguồn từ những cảm hứng đặc biệt, có một cấu tứ riêng, được viết bằng cảm xúc chân thật. Tình yêu Trường Sa của nhạc sĩ là tình yêu đằm thắm, sâu sắc, thấm dần qua thời gian. Có tác phẩm phải mất 10 năm mới hoàn thành, do đó mỗi tác phẩm ra đời với nhạc sĩ là một lời tâm sự mà ông dồn hết tình cảm để thể hiện. 

 

Được tặng Huân chương Lao động

Trong gần 400 tác phẩm của mình, nhạc sĩ Hình Phước Long có 17 ca khúc về Trường Sa. Năm 2012, nhạc sĩ Hình Phước Long vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác sáng tạo nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Hình Phước Long có hơn 40 giải thưởng của cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương trao tặng.

Theo KỲ NAM (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới