Giải pháp triển vọng nào cho biển Đông?

Việt Nam cần kiên định tiếp cận các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình và đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong vấn đề biển Đông.

Báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Trưởng ban tổ chức hội thảo về kết quả của hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan tới sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”, được đồng tổ chức bởi ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam vào ngày 26-7 tại TP.HCM.

Nguồn cơn của sự bất ổn

. Phóng viên: Thưa GS-TS Mai Hồng Quỳ, trải qua liên tiếp ba phiên thảo luận sôi nổi và căng thẳng, Giáo sư đánh giá thế nào về hội thảo?

+ GS-TS Mai Hồng Quỳ: Tôi đánh giá hội thảo đã thành công, đáp ứng đúng mục tiêu và ý nghĩa đã đặt ra. Trước hết, điều này thể hiện ở sự tham gia của đông đảo các học giả, chuyên gia pháp lý có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Các học giả đã có những đánh giá thẳng thắn và mang tính khoa học về những khía cạnh pháp lý của hành vi Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại biển Đông, cũng như các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của TQ. Ngoài ra, hội thảo cũng cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình và đặc biệt là những vấn đề thực tế liên quan tới giải quyết tranh chấp thông qua định chế tài phán quốc tế. Những đánh giá và kết quả trao đổi của các chuyên gia tại hội thảo có thể giúp Việt Nam nhìn nhận thấu đáo hơn về các biện pháp giải quyết vấn đề chủ quyền quốc gia trên biển Đông để qua đó xây dựng một chiến lược đấu tranh hiệu quả.

GS-TS Mai Hồng Quỳ (bìa phải) đang trao đổi với các học giả tại hội thảo. Ảnh: HIỆP TRẦN

. Bài phát biểu đề dẫn của bà có nhận định “biển Đông chưa bình yên”. Tại sao bà lại đưa ra nhận định như vậy?

+ Đó là một thực tế mà cộng đồng quốc tế đều nhìn nhận, đánh giá về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây. Chuỗi các hành vi đơn phương của TQ trên biển Đông, mà đỉnh điểm là sự kiện hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp quy định của pháp luật quốc tế và Tuyên bố chung của các nước ASEAN và TQ về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) đã làm gia tăng đáng kể sự căng thẳng trong khu vực. Việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của mình đã không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ song phương giữa hai quốc gia mà còn liên quan tới các quốc gia khác trên biển Đông. Sự kiện này thể hiện rõ tham vọng của TQ trong việc độc chiếm biển Đông cũng như chính sách dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề bất đồng về biên giới trên biển Đông của họ và đây chính là nguồn cơn cho sự bất ổn, đe dọa hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực.

. Trong phiên thứ nhất, các học giả đã thảo luận xoay quanh luật quốc tế và sự kiện TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Qua thảo luận, các học giả đánh giá ra sao về hành vi này của TQ?

+ Các học giả, chuyên gia pháp lý đến từ 17 quốc gia trên thế giới đều phản ứng và đánh giá những hành vi của TQ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Bởi vì đó là hành vi đơn phương và thể hiện sự không tôn trọng các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong đó TQ là một nước thành viên.

Nhiều học giả và chuyên gia pháp lý đã đánh giá Việt Nam phải nhìn một cách thấu đáo về các hành vi này của TQ, bởi vì chúng nguy hiểm ở chỗ như là một sự tiếp nối để đặt các nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia có liên quan vào tình trạng “đã rồi”.

Tựu chung lại, về mặt bản chất, họ đều đánh giá hành vi của TQ khó có thể chấp nhận được trong thực tiễn pháp luật quốc tế.

Cần “thượng tôn pháp luật”

. Phiên thứ hai và phiên thứ ba, các học giả bàn luận chuyên sâu về tầm quan trọng, hiệu quả của các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao và thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý tại tòa án công lý và trọng tài quốc tế cũng như giá trị pháp lý của phán quyết của các định chế tài phán này. Qua thảo luận các học giả đã đưa ra lời khuyến nghị gì cho Việt Nam?

+ Hầu hết các học giả đều có chung nhận định và khuyến nghị, trước hết Việt Nam nên triệt để sử dụng giải pháp chính trị ngoại giao, cụ thể là giải quyết vấn đề thông qua ASEAN. Việt Nam và các quốc gia liên quan phải thúc đẩy để ASEAN trở thành một chế định quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Có nghĩa là tuyệt đối tránh việc rơi vào chiến lược của TQ biến các tranh chấp trong khu vực thành tranh chấp song phương. Các quốc gia ASEAN phải thấy rằng sự bất ổn trên biển Đông từ những hành vi đơn phương của TQ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng và vấn đề an ninh, an toàn trên biển Đông cũng như các lợi ích hợp tác phát triển kinh tế cốt lõi của ASEAN.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam đã sử dụng hết các giải pháp chính trị ngoại giao nhưng không hiệu quả; TQ cũng không thực sự thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề bằng các biện pháp này thì Việt Nam phải xem xét các giải pháp pháp lý. Đối với biện pháp pháp lý, chúng ta cần cân nhắc kỹ càng vấn đề thu thập các chứng cứ pháp lý phù hợp với luật quốc tế và phải hiểu rõ yêu cầu của các định chế tài phán quốc tế liên quan. Các học giả đã phân tích rất kỹ, rất sâu về thẩm quyền và tính hiệu quả của các định chế tài phán quốc tế mà Việt Nam có thể tiếp cận như Tòa án Công lý quốc tế (Internation Court of Justice - ICJ) - Định chế tư pháp chính của LHQ, Tòa quốc tế về Luật Biển (International Tribunal of the Law of the Sea - ITLOS) và Tòa Trọng tài luật biển. Họ cũng phân tích về quy trình tố tụng, những thuận lợi hay khó khăn, thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi tiếp cận các định chế tài phán quốc tế nêu trên.

Qua những tranh luận của các học giả và chuyên gia pháp lý trong quá trình hội thảo có thể thấy việc tiếp cận biện pháp giải quyết tranh chấp bằng thủ tục pháp lý sẽ rất phức tạp, cam go, đòi hỏi nhiều nguồn lực và thời gian. Nhưng việc sử dụng các định chế tài phán quốc tế này có giá trị và tác dụng không thể phủ nhận được về đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của TQ trong vấn đề biển Đông. Cụ thể, nếu TQ tiếp tục phớt lờ, tránh né các thủ tục pháp lý mà Việt Nam hay các bên liên quan đưa ra tại các định chế tài phán quốc tế thì sẽ khẳng định cho thấy TQ không coi trọng các quy định của pháp luật quốc tế và các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), ngược lại thể hiện lập trường pháp lý của Việt Nam là đúng đắn và thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề hòa bình.

. Theo quan điểm cá nhân của Giáo sư, đâu là giải pháp triển vọng nhất mà Việt Nam nên hướng tới?

+ Trước hết, Việt Nam cần đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Tôn trọng pháp luật quốc tế chính là nền tảng giúp chúng ta có thể giải quyết các vấn đề trong quan hệ quốc tế một cách hiệu quả. Chúng ta cần tiếp cận tất cả biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật quốc tế, bao gồm các biện pháp chính trị, ngoại giao và pháp lý.

Mặc dù là một luật gia nhưng tôi vẫn cho rằng biện pháp pháp lý chỉ là một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình được công nhận trong pháp luật quốc tế. Nhưng biện pháp này cũng rất phức tạp và hơn thế nữa, trong bối cảnh pháp luật quốc tế hiện nay, nó chưa chắc đã phải là một biện pháp triệt để cho vấn đề của chúng ta. Cần phải tiếp cận tất cả biện pháp giải quyết tranh chấp một cách toàn diện, tận dụng mọi cơ hội để giải quyết, xử lý vấn đề một cách hiệu quả. Đến thời điểm này, việc Việt Nam vẫn kiên trì, mềm mỏng đấu tranh giải quyết tranh chấp trên cơ sở các quy định và nguyên tắc của pháp luật quốc tế là bước đi đúng đắn.

. Xin cảm ơn bà.

TÁ LÂM thực hiện

. Phóng viên: Các học giả đã có những dự báo như thế nào về các bước đi tiếp theo của TQ sau khi đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981, thưa Giáo sư?

+ GS-TS Mai Hồng Quỳ: Sau khi phân tích các khía cạnh pháp lý và thực tế, các học giả đều nhận định rằng việc rút giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một bước chiến thuật, một phép thử của TQ đối với phản ứng của cộng đồng quốc tế về yêu sách chủ quyền của mình trên biển Đông. Vì vậy việc TQ di dời giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong thời điểm này có thể chỉ nhằm mục đích tạm thời chuyển sự chú ý của dư luận quốc tế sang những vấn đề khác. Các học giả đều có chung quan điểm và khuyến cáo cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không đoàn kết lại, nếu ASEAN không có tiếng nói chung thể hiện sự thống nhất cao trong vấn đề này thì việc TQ có những hành động tiếp theo là khó tránh khỏi. Vì thế các học giả kêu gọi ASEAN đoàn kết, nhằm đấu tranh lập lại hòa bình, giữ nguyên hiện trạng và không gây thêm căng thẳng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm