Chính phủ Trung Quốc gần đây đã đề xướng khái niệm mới “Con đường tơ lụa mới”, thể hiện chiến lược ngoại giao “Tây tiến-hướng về phía Tây” nhằm thực hiện công cuộc cải cách, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới.
Thất bại trong quá khứ và tham vọng tương lai
Hơn một trăm năm trước, vào cuối thời kỳ nhà Thanh, Trung Quốc cũng phải đối diện với việc phải bảo vệ Biển và khu vực biên giới của mình với tư duy “chinh phục những vùng đất mới”. Tuy nhiên, cuộc viễn chinh “Đông tiến” thời kỳ đó (chiến tranh Nhật-Thanh- theo cách gọi của Nhật Bản) đã bị thất bại cay đắng mà chiến thắng thuộc về Nhật Bản.Và không hết tham vọng, sau đó Trung Quốc đã tiến hành thêm một cuộc “Tây tiến”, nhưng Trung Quốc đã không đã không đạt được kết quả lý tưởng như mong đợi.
Cảng nước sâu Gwadar có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc
Hơn 100 năm đã trôi qua và ngày nay Trung Quốc lại thiết lập một chiến lược ngoại giao mới xuyên từ “Đông sang Tây”. Phía Đông giáp với Đại dương là khu vực tập trung nhiều yếu tố đề phát triển, con đường thương mại, vận chuyển quan trọng nhất không những của Trung Quốc mà của cả thế giới. Ở khu vực phía Tây nếu như “Con đường tơ lụa” mới được mở ra thì Trung Quốc sẽ có một thị trường nhiều tiềm năng lớn, mở rộng dư địa trong chiến lược ngoại giao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với sự de dọa khủng khiếp của những kẻ khủng bố.
Trong chiến lược ngoại giao “Đông tiến”, Trung Quốc đã đạt được những thành quả nhất định. So với chiến lược này thì chiến lược “Tây tiến” có phần hạn chế và do chậm phát triển. Cụ thể là cuối thể kỷ XX tổ chức hợp tác Thượng Hải được thành lập, trải qua nhiều năm tổ chức này tuy có có tiếng nói nhất định trong hợp tác khu vực nhưng cũng không làm thay đổi nhiều địa vị của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc đã đầy hy vọng mở ra “Con đường tơ lụa mới” nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế, gây ảnh hưởng ra phía Biển, với hy vọng thâu tóm kinh tế khu vực và thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 9/2013 trong chuyến thăm 4 nước Trung Nam Á đã đề xướng với các nước này về ý tưởng thiết lập “Con đường tơ lụa mới”, mở ra không gian ngoại giao ở khu vực phía Tây Trung Quốc thông qua việc tiếp xúc lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước Trung Á.
Trong “Con đường tơ lụa mới” thì “con đường tơ lụa trên biển” được Trung Quốc đặc biệt quan tâm với nhiều tham vọng, với mục đích tạo ra một trật tự mới trên biển mà các nước, trước hết là các nước láng giềng ven biển đi theo một quỹ đạo do Trung Quốc điều hành và chi phối.
Qua việc sử dụng “con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc cố gắng tạo ra một hình ảnh đất nước thân thiện, hữu nghị phục vụ cho sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng của mình, tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” để khai thác các tài nguyên trên biển ở những khu vực mà “con đường tơ lụa trên biển” đi qua, nhất là nguồn năng lượng dầu, khí đáp ứng nhu cầu “khát” năng lượng của Trung Quốc.
“Con đường tơ lụa trên biển” là để thực hiện mưu đồ về lãnh thổ và yêu sách biển đảo của Trung Quốc. Thực hiện thành công sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” sẽ tạo ra “danh chính, ngôn thuận” và điều kiện thuận lợi cho việc hiện diện ra các vùng biển của Trung Quốc, trước hết là khu vực Biển Đông, eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, giúp cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển và tăng cường ảnh hưởng về quân sự trên biển.
Trong chuyến thăm 3 nước Nam Á lần này (bắt đầu từ ngày 9/9/2014), ông Tập Cận Bình muốn tạo một vành đai kết nối hợp tác kinh tế với các nước Nam Á, các nước Trung Đông và Trung Quốc. Bởi lẽ Nam Á là thị trường có tiềm năng tiềm ẩn cực lớn với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là năng lượng, trung tâm của con đường xuất khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc, có ý nghĩa đối với việc bảo vệ an ninh khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Trung Quốc có mối quan hệ khá tốt với các nước Pakistan, Srilanka và Nepal. Nhưng trong quan hệ với Ấn Độ-nước có số dân đông thứ 2 thế giới lại có những khúc mắc khó giải quyết. Do vậy, mặc dù Trung Quốc đang tham vọng tăng cường chiến lược ngoại giao sang phía Tây, mở ra con đường tơ lụa mới kết nối Trung Quốc với Ấn Độ dương, song theo các chuyên gia phân tích với những hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông thì các nước cũng đang e ngại khi quan hệ kinh tế sẽ biến thành mục đích chính trị của Trung Quốc.
Mưu đồ chính trị gây mất lòng tin
Chiến lược Tây tiến sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích như khai thông con đường tơ lụa mới, phát triển khu Tây vực, đặc biệt khu vực Tây Bắc, Tây Nam nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Nhưng theo các chuyên gia, với tư duy chiến lược này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nước láng giềng chứ không đơn thuần như lý luận của Trung Quốc cho rằng sẽ góp phần ổn định quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Đáng lẽ ra Ấn Độ sẽ “tay bắt mặt mừng”, nhưng việc truyền thông Trung Quốc (đúng lúc ông Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Ấn Độ) đưa tin về vụ xâm nhập của khoảng 200 binh lính thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại khu vực biên giới Trung-Ấn thuộc lãnh thổ của Ấn Độ đã khiến Ấn Độ hôm 16/9 lập tức ra tuyên bố sẽ bảo vệ đường biên giới dài 3.500 km với Trung Quốc.
Theo báo Hindustan Times, số binh lính này vượt biên sang Ấn Độ ở khu vực Ladakh phía Tây dãy Himalaya hồi tuần trước, sử dụng cần cẩu, xe ủi và chiếc xe Hummer để xây dựng một con đường dài 2 km. Đêm 10/9, binh sĩ Ấn Độ phá hủy đoạn đường tạm nói trên sau khi yêu cầu lính Trung Quốc rút khỏi lãnh thổ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin tuyên bố “những binh lính dũng cảm tại biên giới sẽ giải quyết bất cứ vụ việc nào tại khu vực này”.
Một lý do nữa khiến Trung Quốc khó có thể nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ khi Trung Quốc đang có những động thái quá khích đơn phương tại khu vực Biển Đông, Hoa Đông lộ rõ ý đồ chính trị nhằm thâu tóm lợi ích không phải của mình thành của mình.
Tuy Trung Quốc đã phát lệnh thực hiện chiến lược “Tây tiến”, nhưng không thể “quay lưng” với bối cảnh quốc tế khi Mỹ, Nhật và nhiều nước khác không ủng hộ việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Đông vừa qua mặc dù Trung Quốc đã cố cho rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ góp phần vào phát triển khu vực và thế giới.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Thọ nhấn mạnh: “Nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đang cố gắng dùng lời lẽ ngọt ngào trong đàm phán ngoại giao, với những thông điệp rất êm tai như “hòa bình”, “hữu nghị”, “láng giềng thân thiện” hay gần đây nhất là “Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, nhưng bên trong và hành động thực tế hoàn toàn trái ngược, áp đặt “một chiều” và răn đe thô bạo kiểu Trung Quốc.
Như vậy lòng tin của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và các nước trên thế giới đang bị lung lay bởi những mưu đồ chính trị mới của nước này.
Do vậy, Đông tiến và Tây tiến tuy sẽ mang lại những cơ hội và tiềm năng cực lớn cho Trung Quốc, nhưng nước này cũng đối diện với nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn. So với hơn 100 năm trước, Trung Quốc hiện nay về tài lực, năng lực quân sự, địa vị quốc tế tuy đã được cải thiện rất nhiều nhưng để thực hiện chiến lược “Tây tiến” sẽ là con đường dài và đầy khó khăn đối với Trung Quốc nếu Trung Quốc không đặt lợi ích cá nhân với lợi ích chung của các nước trên thế giới, tiếp tục thực hiện những toan tính khiến cộng đồng thế giới bất bình./.