Ngày 17-10, tên lửa Nirbhay (nghĩa là “kiên cường” trong tiếng Ấn Độ) đã được phóng thử nghiệm tại Chandipur, quận Balasore, Odisha (Ấn Độ). Tên lửa này đã đáp ứng tất cả các thông số kỹ thuật, có thời gian bay hơn một tiếng và có độ chính xác rất cao.
Theo ông Avinash Chander, giám đốc Tổ chức nghiên cứu và phát triển Quốc phòng Ấn Độ: "Tên lửa có khả năng di chuyển trên 1.000 km và chỉ xê dịch dưới 10m khỏi quỹ đạo ".
Nirbhay được bắn thử nghiệm lần đầu vào tháng 3-2013 nhưng nó đã bay chệch khỏi quỹ đạo, buộc trung tâm chỉ huy phải ra lệnh tách động cơ và phá hủy nó ngay giữa chuyến bay để đảm bảo an toàn.
Tên lửa này được xem như “câu trả lời” của Ấn Độ trên thị trường vũ khí trước tên lửa hành trình Battleaxe của Mỹ. Nirbhay là tên lửa tàng hình có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, với chi phí thấp và độ chính xác cao.
Tên lửa này nặng 1 tấn, dài 6m, được thiết kế cánh và đuôi hỗ trợ tầm bắn hơn 1.000km. Như vậy tên lửa này hoàn toàn có khả năng bắn sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.
Tên lửa Nirbhay được bắn thử nghiệm vào ngày 17-10 (Ảnh: Internet)
Đáng chú ý, Nirbhay có tầm bay rất thấp, tránh được sóng radar và có thể phóng từ đất liền, biển hay từ trên không. Nó có thể mang theo 24 loại đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân, tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao. Tên lửa này được dẫn đường bằng hệ thống tự động định vị.
Dự kiến khi tên lửa Nirbhay được đưa vào sử dụng trong Hải quân, Lục quân và Không quân Ấn Độ vào năm 2016, New Delhi sẽ ngừng nhập khẩu tên lửa mới.