Giải Nobel Hòa bình năm 2014: Hai tấm gương bảo vệ quyền trẻ em

Trang web giải Nobel đưa tin ngày 10-10, Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo thông báo giải Nobel Hòa bình năm nay được chia đôi cho hai nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi trẻ em Kailash Satyarthi, 60 tuổi, người Ấn Độ và Malala Yousafzai, 17 tuổi, người Pakistan.

Hai nhân vật này đoạt giải nhờ công lao đấu tranh chống bóc lột lao động trẻ em và đòi quyền của trẻ em được thụ hưởng giáo dục.

Ủy ban Nobel nhận định ông Kailash Satyarthi đã kiên trì đấu tranh bất bạo động như người anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi bằng nhiều hình thức biểu tình để phản đối kiếm tiền bằng cách bóc lột sức lao động trẻ em.

Ông cũng góp phần quan trọng xây dựng các công ước quốc tế quan trọng về quyền trẻ em.

Malala Yousafzai (trái) phát biểu trên diễn đàn LHQ tháng 7-2013 và ông Kailash Satyarthi cùng các nạn nhân bị bóc lột lao động. Ảnh: REUTERS-HINDUSTAN TIMES

Theo báo Hindustan Times (Ấn Độ), ông Kailash Satyarthi sinh ngày 11-1-1954 tại TP Vidisha thuộc bang Madhya Pradesh (miền Trung Ấn Độ).

Ông hoạt động không ngừng nghỉ cho quyền lợi trẻ em. Năm 1980, ông thành lập tổ chức chống bóc lột lao động trẻ em Bachpan Bachao Andolan (Phong trào bảo vệ tuổi thơ) đặt văn phòng tại New Delhi.

Tổ chức này đã vận động người tiêu dùng trong và ngoài nước tẩy chay các sản phẩm của các công ty sử dụng lao động trẻ em. Đến nay, tổ chức Bachpan Bachao Andolan đã cứu khoảng 80.000 trẻ em khỏi nạn bóc lột lao động.

Trong khi đó, Malala Yousafzai là người trẻ tuổi nhất đoạt giải Nobel cho đến nay. Cô sinh ngày 12-7-1997 tại thị trấn Mingora thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (Tây Bắc Pakistan).

Năm 11 tuổi, Malala viết blog cho BBC kể cuộc sống của cô dưới chế độ Taliban hà khắc và bày tỏ mong muốn phổ cập giáo dục cho trẻ em gái bởi Taliban ra lệnh cấm trẻ em gái đi học.

Năm 2012, Malala bị bọn Taliban bắn trọng thương trên xe buýt để trừng trị cô dám phản đối Taliban. Malala sang Anh điều trị, sau đó ở lại Birmingham và thành lập quỹ Malala để quyên góp tiền giúp đỡ các nhóm hoạt động giáo dục tại Pakistan, Nigeria, Jordan, Syria và Kenya.

Malala Yousafzai nằm trong danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014 do tạp chí Time (Mỹ) bình chọn. Cô từng được Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani trao giải thưởng Hòa bình tuổi trẻ quốc gia năm 2011.

Ủy ban Nobel đánh giá dù tuổi còn trẻ nhưng Malala đã có nhiều năm đấu tranh cho quyền được đi học của các trẻ em gái.

Ủy ban Nobel ghi nhận Malala đã trải qua những hoàn cảnh nguy hiểm nhất để thực hiện mục đích cuộc sống và qua đó đã trở thành người phát ngôn có tầm ảnh hưởng đối với quyền được đi học của các trẻ em gái.

Cuối cùng Ủy ban Nobel nhấn mạnh điều quan trọng là một tín đồ Hồi giáo Pakistan (Malala Yousafzai) và một tín đồ Ấn giáo Ấn Độ (Kailash Satyarthi) đã cùng tham gia đấu tranh cho quyền của trẻ em.

Giải thưởng Nobel Hòa bình trị giá 8 triệu krona (23,4 tỉ đồng VN) sẽ được trao cho hai nhân vật nêu trên tại Oslo vào ngày 10-12 tới.

Phát biểu tại lễ công bố giải Nobel Hòa bình năm 2014, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland cho biết hiện nay có khoảng 168 triệu lao động trẻ em trong khi vào năm 2000 con số này là 246 triệu lao động trẻ em. Ông ghi nhận thế giới đang tiến gần đến mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em.

______________________________________

278 ứng viên được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2014, trong đó có 47 tổ chức. Đây là số ứng viên giải Nobel Hòa bình nhiều nhất từ trước đến nay.

Tôi cảm ơn Ủy ban Nobel đã ghi nhận cảnh ngộ khốn khổ của hàng triệu trẻ em trong thời đại ngày nay... Tôi sẽ tiếp tục làm việc vì phúc lợi cho trẻ em.

Ông KAILASH SATYARTHI
trả lời hãng tin Press Trust of India (Ấn Độ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm