“Khi phát hiện căn bệnh thế kỷ HIV đang mang trong mình, nhiều người đã rất hoang mang, thậm chí nghĩ đến việc tự tử để giải thoát nỗi ám ảnh. Chính lúc ấy, có những con người đã kéo họ ra khỏi nỗi tuyệt vọng” - đó là lời của anh T., (23 tuổi) khi nhận kết quả dương tính với HIV vào một buổi chiều năm 2010.
Nhiều người có HIV vẫn sống khỏe mạnh
Lần đầu tiên anh NMH, trưởng nhóm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS Nụ Cười, gặp T. là lúc đang đi phát bơm kim tiêm cho những người tiêm chích ma túy tại một công viên ở thành phố. T. sợ anh sẽ báo công an nên nhìn rất dò xét và không chịu nhận bơm kim tiêm. Anh H. ôn tồn bảo: “Lần sau mà em có tới đây thì anh để sẵn bơm kim tiêm ở gốc cây, em không có thì lấy xài, đừng chích chung với ai để phòng lây HIV lẫn nhau”.
Một lần khác, anh H. mang tờ rơi về các đường lây truyền HIV đến phát cho T. và nhóm bạn. Sau nhiều lần thấy sự xuất hiện của anh H. là vô hại, T. dần tin tưởng và đồng ý tham gia chương trình điều trị nghiện bằng uống thuốc methadone. Đọc thấy mình từng có những hành vi có thể mắc bệnh, T. ngỏ lời muốn đi xét nghiệm HIV.
Khi biết mình nhiễm HIV, T. bỏ điều trị nghiện và lao vào chơi ma túy nhiều hơn để cho chết càng sớm càng tốt. Chiều nào anh H. cũng ra công viên tìm T. để tỉ tê, khuyên nhủ và cho T. biết là nhiều người có HIV vẫn sống khỏe mạnh. Sự kiên nhẫn của anh đã làm T. dần xuôi theo và chịu uống ARV (thuốc đặc trị HIV). Hiện tại T. vẫn khỏe mạnh, đang là thành viên tích cực của nhóm Nụ Cười. Mới đây, Nụ Cười là một trong ba nhóm được đề cử giải “Tổ chức dựa vào cộng đồng tiêu biểu” của giải thưởng Dải băng đỏ 2016 nhằm ghi nhận và tuyên dương những cá nhân đóng góp tích cực cho việc phòng, chống HIV/AIDS, kêu gọi cộng đồng giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Từ đầu năm 2016 đến nay, nhóm đã tiếp cận 1.340 người tiêm chích ma túy và 160 người hành nghề mại dâm, phát hiện và chuyển gửi điều trị 67 người nhiễm HIV.
Chị Mộng Linh (áo sọc ngang - hình ảnh đã được nhân vật cho phép công khai) đang truyền thông kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho người bán dâm. Ảnh: H.LAN
“Bạn có dám ôm tôi không?”
Tình cờ xem một phóng sự về hoạt động hỗ trợ người có HIV của chị Ngô Thị Mộng Linh, một cô giáo đã tìm đến nhà chị và khóc rất nhiều, nhờ chị thuyết phục người con trai nhiễm HIV đã lâu nhưng không chịu điều trị vì sợ người khác biết được. “Khi tiếp xúc, tôi cho anh ấy biết là mình cũng bị nhiễm HIV đã 10 năm rồi thì anh rất ngạc nhiên vì chỉ nghĩ là tôi làm công tác xã hội thôi. Tôi khuyên anh nếu không muốn uống điều trị ARV ở nơi anh đang sống, tôi sẽ chuyển anh đến quận khác và mọi thông tin sẽ được bảo mật, anh không cần phải quá lo lắng, cứ yên tâm điều trị” - chị nhớ lại. Hai hôm sau, anh và mẹ anh đã cùng đến cơ sở điều trị.
Chị Linh là một trong ba người được đề cử giải “Cống hiến” của giải thưởng Dải băng đỏ năm nay. Xuất phát cũng từng là người nghiện ma túy và nhiễm HIV, chị Linh đã từng có quãng thời gian khó khăn khi quyết tâm làm lại cuộc đời. Chị đã từng hai lần bị đuổi việc từ sự kỳ thị. Chính điều này đã trở thành động lực cho chị giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình trước đây.
Từ tham gia nhóm “Bạn, tôi, chúng ta”, nơi gặp gỡ của những người đã và đang sử dụng ma túy, chị tham gia là tiếp cận viên của một trung tâm chuyên hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS từ năm 2012 đến nay.
Chị Linh chia sẻ: “Khi biết mắc bệnh, tôi nghĩ chỉ sống được từng ngày và không có cơ hội nhìn con tôi lớn lên nhưng giờ đã hơn 10 năm rồi và tôi thấy sức khỏe mình hoàn toàn bình thường. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đem những kiến thức mà mình đã trải qua chia sẻ lại cho những người đã, đang hoặc sắp sửa có nguy cơ để họ hiểu và biết cách bảo vệ mình một cách an toàn nhất, đừng giống như tôi vì thiếu hiểu biết mà đã từng rơi vào con đường này”.
Hôm nay (1-12) là ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS, chị Linh làm banner với thông điệp “Tôi là người nhiễm HIV, bạn có dám ôm tôi không?”. Chị hy vọng sẽ nhận được thật nhiều cái ôm để cùng nhau xóa tan sự kỳ thị ngăn cách vì căn bệnh HIV.
Tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng Sáng 30-11, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội. Theo ThS Nguyễn Thị Thu Vân, chuyên viên khoa Truyền thông và can thiệp Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, số người nhiễm HIV đang sống trên địa bàn thành phố là trên 31.000 người. Trong đó, tỉ lệ nhiễm đối với nhóm nghiện chích ma túy là 13%. Hai nhóm khác có tỉ lệ cao là nhóm nam có quan hệ đồng tính và nhóm phụ nữ mại dâm. Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu. Có đến hơn một nửa số người nhiễm HIV do lây qua quan hệ tình dục. Trung tâm đã phối hợp với các tổ chức, dự án, mạng lưới đồng đẳng viên tiếp cận được hàng ngàn người và giúp họ được chăm sóc tinh thần và hỗ trợ chăm sóc y tế. HỒNG MINH Năm nay, tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến hết 10-12) có chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Cụ thể là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. |