Đầu năm 2016, HLV Miura từng có một cử chỉ đẹp, đối chọi với lệnh sa thải ông trước thời hạn của VFF bằng cách không nhận tiền bồi thường và hai tháng lương còn lại. Những học trò của HLV Miura trên các đội tuyển quốc gia đều bày tỏ sự kính trọng và nuối tiếc về sự chia tay với ông thầy người Nhật, khác với quan điểm của 11/16 thành viên ban chấp hành bỏ phiếu bất tín nhiệm ông.
Nhớ lúc VFF trải thảm đỏ mời HLV Miura về làm việc, ai cũng nói ông có cách xây dựng đội tuyển phù hợp. Như lúc họ ca ngợi ông giúp Olympic Việt Nam vào tốp 16 đội mạnh nhất châu Á tại đấu trường Asiad, dự vòng chung kết U-23 châu Á, hạng ba SEA Games 2015. Nhưng với việc dừng chân ở bán kết AFF Cup 2014, ông Miura liền trắng tay.
VFF từng bị đặt vào thế xem ông Miura là thất bại, còn với học trò cũ Lê Công Vinh thì không. Sau một năm nhận chức quyền chủ tịch CLB TP.HCM, cựu tuyển thủ này có một quyết định táo bạo - mời HLV Miura về dẫn dắt đội với mức lương cao và tham vọng lớn.
HLV Miura (phải) và Công Vinh khi còn là thầy trò trên đội tuyển, nay sẽ sát cánh với nhau ở tư thế khác. Ảnh: QUANG THẮNG
Còn quá sớm để nói đến thành công của thầy Nhật ở môi trường V-League khó lường và khác với khi nắm các đội tuyển quốc gia. Gần hai năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, có thể ông Miura khá rành rẽ trình độ chuyên môn chung của cầu thủ đang ở đâu. Nhưng để nắm rõ đường ngang ngõ tắt ở V-League, ông thầy Nhật cần phải “học” và thích nghi rất nhiều.
Công Vinh biết chắc không có nhiều thầy ngoại thành công tại V-League, trừ mỗi “quái kiệt” Calisto (và HLV Songamsak hồi có đội hình Dream team ở HA Gia Lai). Ông thầy người Pháp Fiard vừa thất bại ngay ở CLB TP.HCM của Công Vinh, hay nhà cầm quân Petrovic từng đoạt cúp C1 châu Âu chia tay Thanh Hóa sau mùa V-League 2017 là những dẫn chứng sinh động.
Ngay trong ý định mời thầy ngoại, cũng có lúc Công Vinh đắn đo giữa HLV Miura và thậm chí có phần nghiêng về ông Calisto vì kinh nghiệm, đẳng cấp của HLV người Bồ Đào Nha đã qua kiểm chứng thành công từ CLB cho đến đội tuyển quốc gia.
Nếu muốn đi đến đích tham vọng một cách nhanh chóng hơn, ông Calisto là phù hợp với nhiệm vụ nâng cấp lối chơi của CLB, kể cả những chiêu trò thú vị của ông trên và ngoài sân cỏ để mang về lợi thế lớn nhất cho đội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do… bí mật mà người trong cuộc không muốn nhắc đến, HLV Miura mới là người được chọn.
Chưa từng trải ở V-League, ngoài những lần ông đi xem với tư thế của tuyển trạch viên các cầu thủ hay nhất, chắc chắn ông Miura sẽ gặp nhiều khó khăn như tiền nhiệm Fiard. Chỉ mong trò cũ Công Vinh sẽ luôn sát cánh với ông thầy Nhật trong “lò lửa” V-League một cách có tình, có lý hơn lần ông bị tổn thương khi gia nhập ngôi nhà VFF.
Chờ ông Miura trổ tài CLB TP.HCM đã hoàn tất nhiều thứ cho cuộc trổ tài HLV Miura ở sân chơi V-League, từ yếu tố con người cho đến cơ sở vật chất. Mùa bóng mới, TP.HCM hấp dẫn nhiều cầu thủ giỏi từ các CLB, đặc biệt có gốc gác Nghệ An về dưới trướng của Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh. Kinh phí cho mùa giải mới của CLB không thiếu, với những cơ chế thoáng đổi lại từ quảng cáo trên các cung đường “vàng” như cách làm của B. Bình Dương. Họ cũng tính xa hơn đến việc xây dựng sân mới, trung tâm đào tạo trẻ… và hy vọng từ cách tính đến hiện thực gặp nhau ở tài năng và cái tâm với bóng đá TP.HCM chứ không như nhiều CLB đội lốt bóng đá TP.HCM rồi “bỏ của chạy lấy người”. |