Ba năm trước ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, duy nhất đội tuyển Thái Lan dưới thời HLV Kiatisak đại diện Đông Nam Á vào đến vòng cuối cùng.
Tuy nhiên, bóng đá Thái hùng mạnh ở “ao làng” đã thua sấp mặt và ngậm ngùi rời cuộc chơi. Kiatisak cũng bỏ ghế HLV trưởng và tê tái nhận ra rằng, nếu muốn đá vòng chung kết World Cup thì ít nhất phải đầu tư mạnh mẽ từ lúc ấy (năm 2016) cho đến mùa 2026 cùng với kế hoạch của FIFA tăng số đội tham dự mới có cơ may.
Ông Park đã mang lại nhiều điều mới mẻ cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: ANH HỮU
Lần đó, đội tuyển Việt Nam chỉ vượt qua vòng loại thứ nhất và dừng bước ngay ở vòng tiếp theo. Những người có ước mơ cao sang nhất cũng nghĩ đến thực tế bóng đá Việt Nam hơn nửa thế kỷ chưa thể đăng quang SEA Games và suốt 8 năm qua chưa biết vô địch AFF Cup thì mơ làm gì cho mệt.
Thế nhưng vào thời HLV Park Hang-seo chỉ hơn 14 tháng qua, làng bóng Việt Nam tạo ra quá nhiều địa chấn, từ ngôi á quân U-23 châu Á, bán kết Asiad 18, vô địch AFF Cup 2018 và vào tứ kết Asian Cup 2019. Rất nhiều người khẳng định bóng đá Việt Nam đã đạt đẳng cấp châu Á. Duy có ông Park chỉ nói về phong độ của cầu thủ cộng với yếu tố tinh thần và khao khát chiến thắng đã làm nên những chiến tích mà thôi.
Ông thầy người Hàn Quốc sau khi đạt những cột mốc chưa từng có vẫn ước muốn sẽ tiếp tục nâng cấp bóng đá Việt Nam lên một tầm cao khác. Nhưng ông Park rất tỉnh táo nói về khát vọng chơi vòng chung kết Việt Nam phải là một chiến lược dài hơi cả 10 năm nữa chứ không phải bây giờ.
Tứ kết Asian Cup 2019 là một chiến tích của học trò ông Park. Ảnh: ANH HỮU
“Chúng tôi phải mất ít nhất vài năm để xây dựng một chiến lược khoa học và bài bản cho chiến dịch World Cup. Nói cho dễ hiểu là bên cạnh việc nâng chất lượng các giải đấu quốc gia, đầu tư cơ sở vật chất chuyên nghiệp, mở nhiều học viện bóng đá,… thì cần đào tạo cho lứa cầu thủ lên 10 tuổi ngay từ lúc này” – Ông Park thẳng thắn.
Thực tế trong đấu trường châu Á, thầy trò ông Park vẫn chưa đi quá xa. Đội tuyển Việt Nam qua vòng bảng Asian Cup 2019 với tư cách là một trong bốn đội xếp thứ ba của bảng có thành tích tốt nhất. Chiến thắng Jordan – đối thủ có thứ hạng FIFA thấp hơn mình - trên chấm luân lưu 11 mét và không thể gây bất ngờ trước Nhật Bản.
Chỉ sau hơn một năm, thầy Park đã mang về nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: ANH HỮU
Còn ở vòng chung kết U-23 châu Á 2018 không tính suất chơi Olympic Tokyo 2020, rất nhiều đội bóng cho lứa cầu thủ trẻ hơn ra rèn luyện. Cho nên khó khăn cho thầy trò ông Park sẽ chồng chất hơn ngay tại vòng loại U-23 châu Á 2020 vào tháng 3 này với tư cách á quân và phải có suất chơi vòng chung kết, lại còn vào đến bán kết mới có một vé chơi Olympic Tokyo 2020.
Ông Park nói rằng mình không phải “thầy phù thủy” chỉ trong một sớm chiều biến bóng đá Việt Nam lên một tầm vóc khác. Ông đang hướng đến những gì gần gũi hơn, ví như thực hiện lời hứa giúp học trò đá giải Olympic Tokyo, còn mục tiêu World Cup 2020 (vòng loại từ tháng 6-2019) chắc chắn không.
Ông Park vẫn là người hùng Báo chí Hàn Quốc đua nhau gọi HLV Park Hang-seo là người hùng một lần nữa sau chiến tích giúp đội tuyển Việt Nam lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019. Họ nói ông thua Nhật ở tứ kết nhưng đã chiến thắng trong lòng người yêu bóng đá Việt Nam và hãy ngẩng cao đầu. Bởi đây là kết quả ở cúp châu Á tốt nhất cho bóng đá Việt, sau hai lần đứng hạng 4 vào năm 1956 và 1960 nhưng khi ấy giải đấu này chỉ có bốn đội.
Trong lần góp mặt thứ ba tại Asian Cup năm 2007, đội tuyển Việt Nam đã vào tứ kết thua Iraq 0-2 và lúc đó, thầy trò Riedl với tư cách đồng chủ nhà vượt qua vòng bảng, không có vòng knok out 16 đội. Cho nên màn trình diễn của thầy trò ông Park vào năm 2019 là rất ấn tượng và mang nhiều ý nghĩa hơn, khi ở lần đầu tiên Asian Cup có đến 24 đội phải qua thêm một loạt đá loại trực tiếp. Đội tuyển Việt Nam cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á vào đến tứ kết và ông Park thêm một lần nữa trở thành người hùng. |