Ngày 25-2, BV Tai mũi họng TP.HCM thông tin về trường hợp bệnh nhân PTTH (38 tuổi, ngụ Long An) bị hóc mảnh xương vịt trong đường thở khiến bệnh nhân ho kéo dài suốt 10 tháng nay.
Trước đó, bệnh nhân H. nhập viện vào ngày 12-2 và cho biết bệnh sử cách nhập viện 10 tháng là bữa đó đang ăn món vịt nấu chao thì ho sặc sụa, tím tái.
Chị H. đã khỏe sau 10 tháng trời ho không dứt. Ảnh: HL
Thấy ho nhiều, bệnh nhân đã đi khám tại nhiều BV địa phương, được chẩn đoán viêm phế quản, cho uống thuốc nhưng không đỡ, người càng ngày càng phù.
Sau đó, bệnh nhân tiếp tục lên một BV chuyên khoa lao ở TP.HCM, cũng được chẩn đoán viêm phế quản mãn tính, cho thuốc về uống nhưng không đỡ bệnh. Về nhà, bệnh nhân tự mua thuốc đông y, tây y uống vẫn không khỏi, ngày càng tăng cân. Các kết quả chụp phim phổi không có gì bất thường.
Tại BV Tai mũi họng TP.HCM, bệnh nhân được chỉ định chụp CT scan phổi và phát hiện dị vật phế quản thùy trung gian phổi phải, viêm phổi thùy giữa, thùy dưới phải nên cho nhập viện. Do bệnh nhân có thời gian dài uống thuốc chứa corticoid nên có hội chứng cushing do thuốc dẫn đến suy thượng thận mạn, cao huyết áp, không thể tiến hành lấy dị vật được ngay. Bệnh nhân đã được điều trị phối hợp, ổn định các triệu chứng và tiến hành soi khí phế quản gây mê lấy dị vật.
Hình nội soi phế quản và dị vật được gắp ra. Ảnh: HL
BS Trần Phan Chung Thuỷ, Giám đốc BV, khuyến cáo có nhiều trường hợp mắc dị vật đường thở mà không biết nên cứ điều trị viêm phổi, viêm phế quản. Việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm chứa corticoid dễ dẫn đến biến chứng lâu dài lên tuyến thượng thận, tủy, khớp rất nguy hại.
“Các trường hợp dị vật đường thở không thể thấy trên phim phổi bình thường. Đây là nguyên nhân khiến mảnh xương vịt bị bỏ quên trong đường thở bệnh nhân gần năm trời. Đối với những trường hợp này chỉ có chụp CT scan hoặc nội soi ống mềm, ống cứng thì mới phát hiện được”, BS Thủy lưu ý.
Hình chụp CT-scan của bệnh nhân. Ảnh: HL
BS Thái Hữu Dũng, Phó Trưởng khoa đầu mặt cổ, cho hay bệnh nhân H. may mắn không bị tắc hoàn toàn đường thở, nếu không tình trạng viêm nhiễm phổi sẽ rất nặng. Nếu bệnh nhân cho biết đột nhiên đang ăn ho sặc sụa khó thở tím tái sau đó thở lại được chứng tỏ đây là hội chứng xâm nhập, một dấu hiệu quan trọng chẩn đoán dị vật đường thở.
Tỉnh táo và không còn ho khi nói chuyện, chị H. kể 10 tháng trước, trong lần ăn vịt nấu chao thì mắc nghẹn cục xương và chị đã khạc ra được một cục xương to. Có lẽ phần xương còn lại đã chui vào đường thở.
Từ ngày bị ho kéo dài, mọi công việc làm của chị đều bị gián đoạn vì lo đi chạy chữa bệnh. Mặc dù chị có khai đang ăn thì bị sặc, sau đó ho kéo dài nhưng các nơi đều chẩn đoán chị chỉ bị viêm phế quản. Do đó, ai mách ở đâu thuốc hay thầy tốt chị đều tìm đến. Đặc biệt, sau khi uống các loại thuốc, chị đã tăng lên hơn 10kg.
“Lúc bị ho, tôi không làm được gì cả, đi đứng hay làm gì cũng mệt, nói chuyện chút cũng mệt. Tôi cảm thấy rất chán nản và lo lắng, không nghĩ bệnh lại khó trị như vậy. Hiện tại, tôi cảm thấy khỏe và vui trở lại”, chị H. bày tỏ và gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ.