Ngày 21-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu (gọi tắt là Công ty Thanh Châu) làm chủ đầu tư đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đây là dự án có hồ bơi đang xây dựng trên núi Cô Tiên bị vỡ, nước đổ xuống khu dân cư làm chết bốn người trong gia đình thầy giáo, sập 10 căn nhà tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang ngày 18-11 sau trận mưa lớn.
Vị trí đã đào đất làm hồ bơi trong dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên bị sạt lở, đổ xuống khu dân cư bên dưới. Ảnh: TẤN LỘC
Không nên làm hồ bơi trên núi ở Nha Trang
Trả lời câu hỏi của PV rằng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạng mục hồ bơi được đánh giá như thế nào? Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa nói: “Phê duyệt đánh giá chung tổng thể dự án chứ không riêng từng hạng mục”.
Về công trình hồ bơi trên núi, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa) cho hay trước khi cấp phép cho dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, UBND tỉnh không lấy ý kiến Hội Kiến trúc sư nên hội không được tham gia phản biện.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc ngạc nhiên khi PV dẫn quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký ban hành ngày 18-7-2011, trong đó có cho xây dựng hồ bơi rộng 974 m2 trên sườn núi Cô Tiên. “Tại sao họ lại cho xây một hồ bơi rộng gần 1.000 m2 như thế trên địa hình núi? Xây dựng hồ bơi trên cao như thế là một sự bất lợi” - ông nói.
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu giới thiệu vị trí làm hồ bơi trên núi thuộc dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú. Ảnh: TẤN LỘC
Theo kiến trúc sư Lộc, có thể trên núi có được mặt bằng để làm hồ bơi nhưng muốn làm phải khảo sát địa hình, kết cấu địa chất, nghiên cứu, tính toán hết sức kỹ lưỡng như làm đập thủy điện. Cơ quan chức năng phải lường trước hết tất cả các yếu tố mới có thể đưa vào quy hoạch, cho làm.
Trước khi thi công phải thiết kế kết cấu hồ bơi, thành hồ, các phương án thi công, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống. “Với thiên nhiên như thế, địa hình đồi núi xung quanh như vậy, bên dưới là dân cư sinh sống thì phải có phương án đảm bảo an toàn. Khi trời mưa, nước đổ xuống đầy quá thì phải có đập tràn, giảm tốc độ nước thế nào. Nếu không thì nước cứ thế đổ xuống" - ông nói.
Ông nhận xét: Hồ bơi rộng gần 1.000 m2 như thế, áp lực nước lớn lắm. "Tôi nghĩ do đơn vị thực hiện dự án đó chưa tính toán hết về mặt kỹ thuật một cách đàng hoàng. Tôi cho là họ chủ quan, chưa tính toán kỹ” - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa nêu rõ quan điểm.
“Ở vị trí như thế mà cho làm hồ bơi là không nên. Khi làm chắc chắn họ phá núi, đào bới đất đá, ảnh hưởng đến kết cấu mặt đất vùng đó vốn đã ổn định từ xưa đến giờ. Mặt đất trên núi đã ngủ yên xưa nay, giờ đào bới lên, lại không có biện pháp tốt. Theo tôi, dứt khoát là không nên” - ông nói tiếp.
“Đừng đổ cho thiên tai!”
Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, gần đây tỉnh Khánh Hòa cho thực hiện rất nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, nhà ở, bất động sản trên các triền núi ở TP Nha Trang nhưng hầu như không quan tâm đến kết cấu địa chất. “Các triền núi vốn có kết cấu hàng triệu triệu năm đã bình ổn. Giờ các dự án xâm phạm vào, đào bới, xé ngang xé dọc trên đó, tất nhiên nó bị phá vỡ kết cấu. Khi có mưa lớn sẽ rất nhanh tạo thành lũ, gây sạt lở. Hậu quả bây giờ là vậy”.
Ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, lúc đầu nói không có hạng mục hồ bơi trong quy hoạch dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú, sau khi PV viện dẫn quyết định phê duyệt dự án, ông mới thừa nhận. Ảnh: TẤN LỘC
Nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho rằng phần lớn các khu vực bị sạt lở trong mấy năm gần đây ở TP Nha Trang đều ở gần các dự án du lịch, bất động sản. Trước khi cho thực hiện các dự án này, các cơ quan chức năng hầu như không khảo sát, nghiên cứu địa hình, kết cấu địa chất; không tính toán, lường hết các yếu tố có thể xảy ra khi thực hiện dự án.
Khi xây dựng hạ tầng, phần lớn các dự án đều chủ quan, không tính toán, nhất là chỉ vì lợi ích nhà đầu tư, chỉ nhằm thuận tiện, tạo ra giá trị cho dự án mình mà gây ra nhiều yếu tố bất ổn, bất lợi đối với khu vực xung quanh. Hậu quả là liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở núi, cướp đi sinh mạng hàng chục người, phá hỏng hàng chục căn nhà ở phường Vĩnh Hòa, xã Phước Đồng từ năm 2016 đến nay.
“Hậu quả, trách nhiệm này trước hết thuộc trách nhiệm các cơ quan quản lý chứ đừng đổ cho thiên tai” - kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.
Nước trên núi đổ xuống làm chết bốn người, san bằng khu dân cư. Ảnh: TẤN LỘC
Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, lâu nay Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa đã nhiều lần cảnh báo sự bất cập tại các dự án ở TP Nha Trang.
“Các dự án ven hoặc trên các đồi, núi ở Nha Trang đều có độ cao vượt chuẩn quy hoạch chung TP Nha Trang mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nhiều dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất vì phần lớn các khu vực đồi núi này đều quy hoạch rừng, cây xanh” - ông Lộc nói thêm.