Trận mưa lũ từ ngày 14 đến 16-11 đã khiến nhiều nơi tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập sâu và gây ra nhiều thiệt hại. Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê cụ thể.
Lượng mưa vượt kịch bản
Ông Đặng Văn Hòa - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước thông tin có đợt mưa lớn diễn ra giữa tháng 11, Văn phòng Ban chỉ huy tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai các biện pháp đảm bảo vận hành an toàn hồ đập để chủ động ứng phó.
Ngày 10-11, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh dự báo từ đêm 12 đến ngày 17-11 trên địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 250-500mm, có nơi trên 800mm.
Tuy nhiên, thực tế lượng mưa từ ngày 13 đến ngày 16-11 tại lưu vực Tả Trạch vượt dự báo. Đơn cử như tại Hương Sơn đạt 1.132mm, Thượng Quảng (huyện Nam Đông) là 1.127mm.
Còn tại hạ du sông Hương khu vực xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy đạt 960mm; lưu vực hồ Hương Điền cũng có lượng mưa từ hơn 800mm-1177mm; lượng mưa tại Xuân Lộc (Phú Lộc) lên tới 1.310mm.
"Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tính toán, cập nhật các kịch bản vận hành liên hồ chứa để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo ban. Trên thực tế, lượng mưa đã vượt kịch bản 4 và công tác vận hành liên hồ chứa đã đưa dần mực nước trên các sông lên tương đương kịch bản 4" – ông Hòa thông tin.
Các hồ đập tham gia cắt lũ
Trên sông Hương, tổng lượng nước về hai hồ Tả Trạch và Bình Điền là 773 triệu m3, tổng lượng nước hai hồ vận hành giảm lũ cho hạ du là 246 triệu m3 , tổng lượng nước về hạ du là 527 triệu m3.
Mực nước cao nhất trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long ở mức +4,34m lúc 17 giờ ngày 15-11. Mực nước này cao hơn trận lũ tháng 10-2020 (+4,17m), thua trận lũ lịch sử tháng 11-1999 (+5,81m).
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tính toán, nếu không có hồ Tả Trạch và thủy điện Bình Điền vận hành giảm lũ, mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long có thể vượt mức +5,5m, vận hành hồ đã cắt giảm khoảng 1,16m.
Còn lũ trên lưu vực hồ Hương Điền xuất hiện hai đợt, tổng lượng nước đến hồ là 527 triệu m3, tổng dung tích hồ cắt lũ cho hạ du khoảng 97 triệu m3, tổng lượng nước vận hành về hạ du là 430 triệu m3, cắt giảm 18,4% tổng lượng nước về hạ du.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đánh giá, trận lũ vừa qua các hồ đã tham gia cắt, giảm đỉnh lũ hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác vận hành hồ chứa hiện nay vẫn còn một số khó khăn, bất cập như độ chính xác của các bản tin dự báo mưa. Đây là khó khăn khách quan chung do tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và dự báo định lượng mưa rất khó, mưa không đều giữa các khu vực, mưa cực đoan trong thời gian ngắn, mưa cực đoan khu vực hạ du sau đập.
Việc chấp hành của các chủ hồ chứa trong quá trình vận hành còn có lúc chưa đảm bảo yêu cầu trong khi chưa có thiết bị đo kiểm soát, giám sát lưu lượng vận hành qua tràn.