Nếu xem trên báo online và giờ đọc báo giấy, nhiều người sẽ thấy báo Pháp Luật TP.HCM đã có một điều chỉnh trong thông báo tuyển dụng biên tập viên chuyên mục Quốc tế và phóng viên. Đối với hộ khẩu, CMND, bằng tốt nghiệp, các chứng chỉ…, chúng tôi chỉ yêu cầu các ứng viên nộp bản phôtô.
Việc chỉnh sửa này nhằm tạo sự tương thích với các bài viết đã đăng để đấu tranh với nạn lạm dụng bản sao y (các bài “Cán bộ phường mỏi tay ký sao y” ngày 1-10, “Nộp hồ sơ trực tiếp, không cần sao y!” ngày 2-10).
Đòi bản sao y phải đúng quy định
Phải thấy rằng việc bước đầu tiếp nhận bản phôtô các giấy tờ nêu trên không hề gây khó trong việc tuyển dụng. Bởi lẽ các cơ quan còn phải thực hiện nhiều khâu sàng lọc tiếp theo đối với các ứng viên đạt yêu cầu sơ tuyển. Sau đó, các nhân sự trúng tuyển rất dễ dàng đưa bản chính để bộ phận tổ chức của các cơ quan đối chiếu.
Như vậy, các cơ quan đâu cần đòi ngay từ vòng đầu bản sao y để rồi có thể phải hủy bỏ do không có điều kiện trả lại cho nhiều ứng viên bị loại, gây ra nhiều lãng phí không đáng có. Chưa kể mặc dù Quyết định 199/2018 của Thủ tướng cho phép các cơ quan nhận bản sao y các giấy tờ nộp qua bưu điện nhưng cần lưu ý, việc này chỉ được áp dụng đối với những cơ quan nhà nước và đối với các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Do không thuộc đối tượng theo Quyết định 199/2018 nên báo, đài, các doanh nghiệp… không được phép dựa theo quyết định này để đòi bản sao y khi tuyển dụng người hay cho những trường hợp không thực sự cần thiết khác.
Làm thủ tục chứng thực sao y tại một địa phương ở TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
Tuyên truyền và xử phạt: Chọn cái nào?
Điều đáng nói là chính các cơ quan nhà nước cũng còn góp phần lớn cho việc bội thực bản sao y. Thuận theo xu thế đơn giản hóa, từ chỗ ban hành quy định thành phần hồ sơ phải toàn là bản sao y thì nhiều cơ quan đã dần điều chỉnh theo hướng cho dân chọn lựa hoặc nộp bản sao y hoặc nộp bản phôtô kèm theo việc xuất trình bản chính để cán bộ đối chiếu.
Tuy nhiên, Chỉ thị 17/2014 của Thủ tướng có nêu rằng có những cơ quan, tổ chức vẫn ra quy định bắt buộc sao y hết thảy. Cạnh đó, có một số công chức, viên chức khi tiếp nhận hồ sơ vì không muốn đối chiếu, sợ trách nhiệm nên đã yêu cầu toàn bản sao y.
Những đòi hỏi không đúng này đã khiến người dân sao y sẵn toàn bộ cho chắc. Vậy, trách dân không nắm quy định hay cần phải trách chính các cơ quan nhà nước đã không nỗ lực chấn chỉnh nội bộ, hướng dẫn cặn kẽ để người dân biết mình được quyền nộp bản phôtô?
Có lẽ khi cán bộ phường hãy còn mỏi tay ký sao y thì nên tính đến việc chế tài những cá nhân, đơn vị làm sai để bản sao y không còn gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội và còn tạo nên áp lực, quá tải đối với UBND cấp huyện, cấp xã.
Phạt bao nhiêu là phù hợp? Bộ Tư pháp đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp… mới để thay thế hai nghị định 110/2013 và 67/2015. Trong nhóm hành vi vi phạm quy định về chứng thực bản sao từ bản chính, Nghị định 67/2015 đã quy định phạt cả cán bộ (như không chứng thực ngay trong ngày; chứng thực bản sao từ bản chính mà không thực hiện ghi vào sổ chứng thực…). Trong trường hợp dự thảo nghị định mới bổ sung hành vi đòi bản sao y không đúng quy định (trong đó có việc “chê” bản sao y quá ba tháng), mức phạt cụ thể cần được tính toán thêm nhưng có thể không vượt mức cao nhất 10 triệu đồng áp dụng cho nhóm hành vi liên quan đến chứng thực. |