Bóng đá chuyên nghiệp là sự chuyên sâu, là sự phục vụ, là góp phần thúc đẩy sự đi lên của xã hội... Bóng đá chuyên nghiệp nhất định phải hội tụ đầy đủ các nhân tố chuyên nghiệp cùng tham gia: Liên đoàn, ban tổ chức giải, các CLB, các HLV, cầu thủ, trọng tài, nhà tài trợ, doanh nghiệp tham gia quảng cáo, giới truyền thông và lực lượng CĐV.
Trong đó, CĐV được xem là nhân tố quan trọng nhất vì họ là "khách hàng" của bóng đá chuyên nghiệp. Họ chính là người mua, người sử dụng và người thụ hưởng... vẻ đẹp của bóng đá.
Nữ CĐV Huyền Anh bị pháo thăng thiên bắn trúng đùi trái làm mất máu nhiều và phải trải qua hai lần phẫu thuật. Ảnh: NGỌC DUNG
Nhìn vào các tiêu chí chuyên nghiệp này với thang điểm 10 thì bóng đá Việt Nam chỉ nhận điểm dưới 5. Vậy thì sao gọi là chuyên nghiệp? Vì thế bóng đá Việt Nam chỉ là nghiệp dư hoặc đang tiệm cận với sự chuyên nghiệp mà thôi.
Đừng ảo tưởng nữa các "ông quan" bóng đá ạ?
Thảm họa một nữ CĐV Hà Nội hứng trọn trái pháo thăng thiên của CĐV Nam Định trên sân Hàng Đẫy đêm 11-9 đã phá nát cảm xúc bóng đá chuyên nghiệp của người Việt Nam được tô vẽ từ nhiều mộng tưởng, sau vài thành tích đáng ghi nhận từ các giải đấu châu Á và khu vực...
Sân Hàng Đẫy từng bị xóa án phạt một cách dễ dãi khiến cho vấn nạn pháo sáng cứ liên tục xảy ra. Ảnh: NGỌC DUNG
Tại sao một bản kỷ luật chưa ráo mực của Ban kỷ luật VFF nhằm răn đe hành vi đốt pháo sáng và phá hoại diễn ra trên sân Hàng Đẫy ở vòng 6 V-League thì ngay sau đó Ban giải quyết khiếu nại đã xóa án?
Những phần tử quá khích đã giết chết bóng đá, bên cạnh sự dung dưỡng, giơ cao đánh khẽ của các nhà tổ chức lo thu vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… chẳng khác gì đồng lõa với cái ác.
Hình hài của một nền bóng đá nghiệp dư, xấu xí và ích kỷ như gáo nước lạnh vừa tạt thẳng vào mặt những kẻ còn trong cơn mộng mị!
Khán giả chân chính tại sao lại chịu đựng sự hoảng loạn bởi hành động phi nhân tính của những phần tử quá khích trong sự dung dưỡng của các nhà làm bóng đá? Ảnh: NGỌC DUNG
Hai chữ nghiệp dư trong bóng đá được hiểu là không chuyên sâu, không am hiểu hoặc không đam mê. Ở đó, những "con quỷ" nghiệp dư đã mạo danh sự cuồng nhiệt để hành động tự phát, thích lôi kéo, kích động những hành vi tiêu cực... gây tổn hại đến sân chơi chuyên nghiệp, hòng thỏa mãn căn bệnh bạo lực có phần bệnh hoạn.
Có một sự phẫn nộ không hề nhẹ cho những kẻ quá khích ấy, chúng chỉ bước vào sân vận động với tâm thế phá hoại giấc mơ chuyên nghiệp của hàng triệu người...
Tóm lại, sự động viên tích cực sẽ góp phần lan tỏa, kết nối với bóng đá chuyên nghiệp. Ngược lại, động viên tiêu cực chỉ làm cho sự bạo lực dưới sân cỏ và trên các khán đài ngày càng gia tăng hận thù mà thôi!