Tin Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND trong quản lý cư trú, như “tin... khó tin” với... cả nước, trong đó có tôi, kẻ khốn khổ lên bờ xuống ruộng thời trẻ. Nó gợi trong tôi một trời ký ức buồn thương và có lẽ nhiều người khác cũng khốn khổ không kém…
Tác giả thời sinh viên những năm 1980. Ảnh tư liệu
Tôi là sinh viên tỉnh (Cửu Long, nay là Vĩnh Long) lên TP.HCM học đại học những năm 1980-1984. Tháng 8-1984 tôi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp (Văn) và xin được việc làm tại Xưởng phim Giáo khoa (Bộ Giáo dục) tại TP.HCM vào tháng 9-1984.
Nhờ một người quen giới thiệu với chú giám đốc (ông Lương Xuân Tâm, học điện ảnh ở Đức về), tôi có việc làm yêu thích, đúng sở nguyện (nhiếp ảnh, biên tập viên phim tài liệu-giáo khoa), lại không đòi hỏi nhất định phải có hộ khẩu TP, điều kiện "tiên quyết" - barie ngăn cản người nhập cư và sinh viên hộ khẩu gốc ở tỉnh trụ lại TP. Chuyện người nhập cư, sinh viên tỉnh có được hộ khẩu TP.HCM thời những năm tám mươi, chín mươi ấy khó như hái sao trên trời. Một số bạn đồng nghiệp ở xưởng phim cùng bộ phận với tôi cũng không có hộ khẩu TP như tôi, họ là đạo diễn nổi tiếng, quay phim, tốt nghiệp chính quy Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh, cùng lớp với đạo diễn Lê Hoàng, Đinh Anh Dũng.
Chúng tôi đều làm việc theo dạng hợp đồng từng năm, lương ba cọc ba đồng, lĩnh đầu tháng, giữa tháng đã hết (như công chức cả nước hồi ấy), nhưng ai cũng "biết thân" ráng làm việc, cầm cự và tồn tại như công dân hạng hai, đến đâu hay đến đấy.
Có thể nói, Xưởng phim Giáo khoa hồi ấy là nơi trú thân cầm cự của chúng tôi vì rất khó xin việc ở các cơ quan khác, trừ khi bạn thỏa mãn một số điều kiện để nhập hộ khẩu TP.HCM: cán bộ do cơ quan trung ương điều động, lao động thuộc lãnh vực-ngành TP đang cần, là tiến sĩ trở lên...
Không có hộ khẩu thì không làm được CMND (ở TP.HCM), không mua được vé máy bay, không đứng tên được xe cộ, không mua được nhà cửa, học hành, chữa bệnh cũng vô vàn khó khăn... Nhưng mấy ai có khả năng mua được những thứ "cao siêu" ấy vào thời đó, khi lo đủ ăn cũng đã bạc mặt. Tôi không có CMND, nhiều năm dài chỉ sử dụng giấy chứng nhận làm việc do cơ quan cấp - một bìa giấy cỡ quân bài tú lơ khơ đánh máy, đóng mộc đỏ và chữ ký giám đốc. Mà ngày ấy, "trú" được ở TP như tôi đã là "giấc mơ" của nhiều sinh viên tỉnh rồi, bởi đâu có nhiều cơ quan nhận người ngoại tỉnh, sinh viên tỉnh vào làm việc.
Hầu hết sinh viên ra trường đều phải trở về quê. Nhiều bạn tôi về quê làm không đúng ngành nghề, lương ba cọc ba đồng... đã mở quán buôn bán nhỏ hay trở về nghề nông của gia đình, lấy chồng lấy vợ sinh con lam lũ và mai một dần kiến thức và mơ ước tuổi trẻ của mình.
Hộ khẩu TP.HCM, niềm mơ ước một thời của không ít "dân tỉnh" khi "trụ" lại TP để làm ăn, sinh sống...
Tôi yên ổn ở Xưởng phim được năm năm thì một ngày anh phó giám đốc gọi tôi lên thông báo: "Cơ quan phải sắp xếp lại nhân sự, sẽ giảm một số người, trong đó những người không có hộ khẩu TP được "chú ý" đầu tiên. Em là một trong tám người không có hộ khẩu TP sẽ bị giảm biên chế".
Anh phó giám đốc (khá thân thiết với tôi) nhìn tôi ngồi lặng đi, anh gợi ý: “Em và thằng H. yêu nhau đã lâu, nếu nó có hộ khẩu rồi thì hai đứa nên đi đăng ký kết hôn để các anh có lý do giữ em lại, những người kia không thắc mắc".
Tôi hiểu anh rất thương và thông cảm hoàn cảnh của tôi, giai đoạn này cơ quan cũng làm ăn không khá, ngoài nhiệm vụ sản xuất phim khoa học, tài liệu, chúng tôi còn phải đi "đánh thuê" cho các cơ quan bên ngoài để kiếm tiền.
Tôi thẫn thờ nói với anh: "Em không thể nói với người yêu hoàn cảnh của mình để anh ấy phải kết hôn với em, như cái bẫy cột anh ấy”.
Anh phó giám đốc ngậm ngùi: "Thì tùy em thôi, nếu yêu nhau và muốn chung sống cùng nhau thì đây là dịp hai đứa hợp thức hóa, không thì...". Anh bỏ lửng ở đó.
Chiều hôm ấy, tôi đạp xe đi lang thang ngoài đường trong buồn bã, vô định.
Rồi cũng đến ngày tôi chính thức bị cơ quan chấm dứt hợp đồng lao động vì không có hộ khẩu, không cho thấy khả năng "lo" được hộ khẩu.
Tôi sẽ sinh sống ra sao, thế nào? Đó là nỗi lo lắng của tôi và những người bị "giãn". Để kiếm sống qua ngày, tôi chấp nhận chân bán vé xem video ở ngay chính cơ quan mình, được trả tiền lao động theo từng suất chiếu "Cuốn theo chiều gió", những phim video hiếm hoi của phương Tây, Hong Kong đưa về lồng tiếng rồi chiếu trên màn hình chừng bốn mấy inch. suất nào cũng đông kín hội trường mấy trăm chỗ. Bạn biết đấy, không dễ khi hôm qua còn là cô nhiếp ảnh, biên tập viên vui tươi của xưởng phim, hôm sau đã là người bán vé công nhật cho ông đi qua bà đi lại, gạt đi cả sự xót thương của đồng nghiệp để kiếm sống qua ngày khó khăn…
(Đón đọc phần 2 của câu chuyện trên www.plo.vn: Hành trình “hái sao trên trời” để có hộ khẩu)