Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng đã ký quyết định về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức từ ngày 1-11. Điều này được đông đảo người dân, ứng viên và đơn vị tuyển dụng đồng tình.
Thoát khỏi cảnh “chạy” hộ khẩu
Bạn Hằng Ni, một sinh viên (SV) y khoa đang học tập tại TP.HCM, vui vẻ nói: “Thời gian qua nhiều bạn trong lớp em ráng chạy hộ khẩu để ra trường dễ xin việc tại TP. Có người tốn vài trăm triệu đồng, chạy chọt đủ nơi vẫn không xong. Bây giờ không phải lo việc này nữa, mừng quá”.
Theo Hằng Ni, SV tỉnh thua thiệt so với SV TP ở mỗi hai chữ “hộ khẩu” chứ về năng lực thì có bạn còn nổi trội. Bạn nói: “Tới đây cơ hội nghề nghiệp cho chúng em sẽ nhiều hơn, như vậy càng cạnh tranh hơn nhưng là công bằng, tụi em sẽ cố gắng hết sức”.
Trong khi đó, Nguyễn Phương Thảo, một cựu SV Học viện Hành chính, phải mất hơn một năm đi làm ở ngoài trước khi nhập được hộ khẩu vào TP để được nhận vào làm ở một ủy ban phường. Thảo nhận định: “Số SV ngoại tỉnh về học ở TP rất nhiều, nếu chỉ vì hộ khẩu mà không có cơ hội việc làm thì rất đáng tiếc. Nhiều người trong cơ quan tôi sau khi nhập hộ khẩu, được tuyển dụng làm việc rất tốt, năng lực vượt trội, đảm nhận vị trí quan trọng. Tôi rất đồng tình với chủ trương mới của TP, đây là cơ hội để người không có hộ khẩu TP khẳng định bản thân”.
Cơ hội việc làm của người ngoài tỉnh sẽ tốt hơn khi bỏ yếu tố hộ khẩu trong tuyển dụng ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Sẽ chọn được người giỏi nhất
BS Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, cho biết BV đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng theo quy định mới, dự kiến cần tuyển khoảng 190 viên chức ở nhiều vị trí. “Đây là chủ trương đúng đắn. Bỏ hộ khẩu thì phạm vi đối tượng tham dự xét tuyển mở rộng hơn, chất lượng tuyển dụng chắc chắn được nâng lên” - BS Đạt khẳng định.
Thời gian qua có những vị trí chuyên môn đặc biệt khó tuyển người, BV vẫn tạm tuyển đối tượng KT3, thậm chí ứng viên hộ khẩu tỉnh. “Trên thực tế các ứng viên này sau khi được tuyển đều đáp ứng rất tốt công tác chuyên môn của BV” - BS Đạt nhận định.
Theo ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, năm 2016 quận cần 592 giáo viên nhưng tổ chức thi tuyển thì số lượng chưa đạt 1/3. Quận phải xin chủ trương để tuyển ngoài hộ khẩu. Thời điểm đó, giáo viên mầm non và trường chuyên biệt tất cả phải tuyển người có hộ khẩu tỉnh.
“TP bỏ tiêu chí hộ khẩu trong tuyển dụng thì cung-cầu sẽ gặp nhau, mang về nhiều lợi ích. Ứng viên mừng mà đơn vị tuyển dụng cũng có lợi. Các ứng viên TP không thể ỷ y dựa vào hộ khẩu, điều này sẽ xóa bỏ được sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm” - ông Thiện nói.
Trao đổi về việc có nên nghiên cứu bỏ đi tiêu chí hộ khẩu trong các lĩnh vực khác, ông Thiện cho rằng phải có sự đánh giá, nhìn nhận đa chiều. Hộ khẩu để quản lý nhân khẩu, một số lĩnh vực nếu bỏ hẳn sẽ gây cho TP nhiều áp lực.
Ví dụ về giáo dục, Bình Tân vẫn ưu tiên các em đã tạm trú ở quận trên sáu tháng nhưng để bỏ hẳn yếu tố hộ khẩu thì chưa thể. “Điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp hiện không thể đáp ứng được. Sĩ số tăng lên sợ là chất lượng đào tạo sẽ giảm đi. Trong lĩnh vực y tế, văn hóa thì không quá cần yếu tố hộ khẩu nhưng các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự thì việc quản lý nhân khẩu cần nghiên cứu thêm” - ông Thiện nói.
Nhiều người phải chạy chọt Luật quy định công dân có quyền tự do cư trú nhưng thực tế người không có hộ khẩu ở TP lớn ít nhiều vẫn chịu thiệt thòi. Ngay từ chuyện xài điện, nước cũng không được tính giá nhà nước, con cái đi học phải tạm trú đủ sáu tháng, lỡ trễ vài tháng phải đợi tới năm sau. Tới mua xe cũng phải về quê đăng ký biển số tỉnh, ra đường đôi lúc bị nhòm ngó. Có lần tôi gửi xe mà bảo vệ hỏi: “Giờ còn biển số tỉnh hả?”. Thì ra biển số TP cũng oách dữ, chẳng trách nhiều người phải chạy chọt rồi dẫn đến tiêu cực. Ông ĐẶNG VĂN HÀ, tạm trú quận Tân Bình, TP.HCM |