Công nhận chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại trong chương trình này.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) trong phần phát biểu thảo luận về chương trình này tại Quốc hội sáng 4-11 đã nêu nhiều tiêu cực, bất cập trong xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Cương kể: "Cuối tuần vừa rồi tôi có về thăm gia đình một người bạn cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km. Một người dân phản ánh xây hố chứa rác trong các thôn tốn gần 1 tỉ đồng, trong khi đó người dân nói chỉ cần 200 triệu đồng đã tốt rồi".
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói: cần phải có biện pháp ngăn chặn trục lợi trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: CHÂN LUẬN
Đại biểu Cương cho rằng xây dựng nông thôn mới cần ngăn chặn được trục lợi và tham nhũng. Bởi có những dấu hiệu thiếu minh bạch trong việc triển khai chương trình này. “Khi tổ chức đấu thầu căn cứ vào chứng thư thẩm định của đơn vị tư vấn. Nhưng từ chứng thư thẩm định cho đến hồ sơ dự thầu của các nhà thầu giá thiết bị cao hơn rất nhiều so với thực tế. Một số trạm y tế đầu tư thiết bị trị giá gần 500 triệu đồng, nhưng vẫn thiếu đồng bộ nên vẫn nằm bất động” - đại biểu Cương nêu thực tế.
“Một ví dụ nhỏ nữa trong việc lãng phí đó là khi đi qua những nơi được công nhận nông thôn mới không hiểu vì sao nhiều pano, khẩu hiệu đến thế. Ở một số địa phương dọc quốc lộ, tỉnh lộ, khẩu hiệu hộp cứng viền nhôm đặt san sát nhiều cây số. Vẫn biết Việt Nam là nước nhiều khẩu hiệu nhất thế giới, nhưng để phục vụ công tác tuyên truyền thì có cần nhiều khẩu hiệu đến như thế không. Kinh phí để thực hiện công việc này nếu không lấy từ ngân sách thì cũng lấy tiền của người dân” - đại biểu Cương nói.
Đại biểu Cương cũng đặt vấn đề liệu có việc chạy theo thành tích không khi tỉ lệ số xã đạt nông thôn mới năm 2015 là 17%, nhưng đến tháng 9-2016 đã tăng lên bất thường tới 23%.
Theo ông Cương, thực tế có việc đánh giá xuê xoa, nhiều địa phương chỉ chú ý vào tiêu chí cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đến tiêu chí phát triển sản xuất và nâng cao mức sống cũng như thu nhập của bà con nông dân.
Chạy theo thành tích, theo ông Cương, đã buộc nhiều địa phương tự xoay xở tìm mọi cách huy động nguồn lực phục vụ chương trình, dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán. Ông Cương gọi tình trạng này là “sa lầy”.
“Tôi phải dùng từ "sa lầy" vì có những tỉnh gần nợ đọng 1.000 tỉ và không có khả năng thanh toán” - ông Cương giải thích.
Nhiều đại biểu khác cho rằng việc xây dựng nông thôn mới đôi khi các địa phương chỉ biết xây dựng trụ sở, chợ, nhà văn hóa, sân vận động… mà không cần biết đến nhu cầu của người dân.
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trong báo cáo thẩm tra chương trình xây dựng nông thôn mới cũng báo cáo với Quốc hội rằng hiện có 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng tiền xây dựng nông thôn mới với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng.
“Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước”, ông Thanh trình bày trước Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị phải đẩy mạnh thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi lợi dụng chương trình để trục lợi.