Ngày 4-4, người phát ngôn tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố “hồ sơ Panama” nhắm vào mục tiêu chính là Tổng thống Putin với mục đích gây bất ổn ở Nga.
Ông đánh giá không có gì cụ thể và mới liên quan đến tổng thống Nga trong “hồ sơ Panama” đồng thời khẳng định chính các cựu nhân viên của CIA hay Bộ Ngoại giao Mỹ đứng sau vụ này.
“Hồ sơ Panama” là từ ngữ dùng để chỉ vụ rò rỉ thông tin từ Công ty luật Mossack Fonseca ở TP Panama (Panama) tiết lộ nhiều nhân vật nổi tiếng sử dụng các công ty ngoại biên (công ty offshore) để trốn thuế và rửa tiền. Đây được xem là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước đến nay.
Công ty do Jürgen Mossack người Đức và Ramon Fonseca người Panama sáng lập, sử dụng hơn 500 nhân viên ở 40 thành phố trên thế giới, chuyên làm dịch vụ chỉ định nơi thanh toán cho các công ty ngoại biên.
Theo trang web MarketWatch, gần đây một nguồn nào đó không rõ đã phát tán hồ sơ từ Công ty luật Mossack Fonseca cho báo Süddeutzsche Zeitung (Đức). Hồ sơ gồm 11,5 triệu tập tin (thư điện tử, hợp đồng, bảng kê tài khoản ngân hàng…) từ năm 1977 đến tháng 12-2015.
Nhận thấy hồ sơ quá nhiều, báo này chia sẻ cho Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế ở Mỹ và các đối tác. Ngày 3-4, báo chí đồng loạt công bố hồ sơ. Có 376 nhà báo thuộc 109 đơn vị báo chí của gần 80 nước đã tham gia khai thác “hồ sơ Panama”.
Văn phòng Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. Ảnh: EPA
Hồ sơ rò rỉ liên quan đến 214.488 thực thể ngoại biên gồm các công ty ngoại biên, công ty tín thác, quỹ đầu tư ở 21 thiên đàng thuế. Phần lớn đăng ký tại quần đảo British Virgin (113 600 thực thể), Panama (48.400), quần đảo Bahamas (15.900), quần đảo Seychelles (gần 10.000).
“Hồ sơ Panama” gây chấn động toàn cầu vì liên quan đến khoảng 140 nhà chính trị lãnh đạo của hơn 50 quốc gia, rất nhiều nhân vật tên tuổi, các ngôi sao trong thể thao, điện ảnh.
Hồ sơ còn tiết lộ nhiều phi vụ tài chính mờ ám của nhiều đối tượng bị kết án hay bị truy tố, trong đó có những người phạm các tội rất nghiêm trọng như buôn ma túy, tội ác chiến tranh, mại dâm trẻ em.
Hãng tin Sputnik (Nga) nhận xét có điều lạ là “hồ sơ Panama” lại không nêu ra bất kỳ nhân vật quan trọng nào của Mỹ.
Trong khi đó tại Pháp ngày 4-4, Tổng thống François Hollande cam kết sẽ điều tra tất cả các vụ trốn thuế theo “hồ sơ Panama”. Ông cảm ơn những người cảnh báo và báo chí đã tham gia điều tra.
Tại Úc, cơ quan thuế thông báo sẽ điều tra hơn 800 khách hàng của Công ty luật Mossack Fonseca.
Tại Anh, báo The Guardian đưa tin chính phủ đã đề nghị một bản sao “hồ sơ Panama” và cam kết sẽ hành động nếu điều tra có trốn thuế.
Tại Argentina, báo La Nación đưa tin chính phủ khẳng định Tổng thống Mauricio Macri không bao giờ tham gia góp vốn vào công ty ngoại biên đăng ký ở quần đảo Bahamas mà có lúc chỉ giữ vai trò giám đốc công ty này mà thôi.
Tại Iceland, Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson tuyên bố: “Tôi không bao giờ che giấu tài sản”. Theo “hồ sơ Panama”, ông có giấu hàng triệu USD ở quần đảo Britist Virgin.
Đã có ý kiến kêu gọi biểu tình phản đối ông và tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Tại Pakistan, gia đình Thủ tướng Nawaz Sharif bảo đảm không làm gì bất hợp pháp khi giao tài sản cho các công ty ngoại biên quản lý. Tại Trung Quốc, báo chí hoàn toàn không nói gì đến “hồ sơ Panama”.
Cuối tuần trước, Công ty luật Mossack Fonseca đã gửi thư cho khách hàng thông báo công ty bị rò rỉ thông tin hàng loạt từ máy chủ thư điện tử. Suốt hai tuần trước đó, khi Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế hỏi han về một số khách hàng, công ty đổ lỗi cho các đối tác ở các nước là nơi giao dịch với khách hàng. Người phát ngôn công ty khẳng định: "Trong 40 năm qua, công ty chúng tôi chưa bao giờ bị kết án hay bị truy tố vì liên quan đến hành vi phạm tội”. Công ty đã xem “hồ sơ Panama” là một vụ tấn công vào Panama, một tội ác và là hành vi phạm tội. |