Hồ sơ, thủ tục xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp

(PLO)- Khi có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, công dân có thể gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi thường trú hoặc Sở Tư pháp nơi tạm trú (nếu không có nơi thường trú).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiếu lý lịch tư pháp là loại giấy tờ được sử dụng phổ biến khi xin việc, du học hay xuất khẩu lao động...

Theo Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009, có hai loại phiếu lý lịch tư pháp.

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là phiếu cấp cho cá nhân (hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan) theo yêu cầu của công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là loại phiếu cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó nắm được nội dung về lý lịch tư pháp của bản thân mình.

Người dân nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Người dân nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Khi có nhu cầu, công dân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 nộp hồ sơ gồm tờ khai yêu cầu cấp phiếu; bản chụp hoặc bản sao có chứng thực giấy CMND/CCCD/hộ chiếu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Khi nộp hồ sơ, công dân phải xuất trình bản chính các giấy tờ để đối chiếu. Ngoài ra, nếu cá nhân ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục thì nộp kèm theo văn bản ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có công chứng.

Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2, cá nhân yêu cầu cấp phiếu nộp hồ sơ tương tự như trên. Tuy nhiên, người yêu cầu cấp phiếu lý lịch số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.

Công dân Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi thường trú hoặc nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú nếu không có nơi thường trú. Trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú.

Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định, thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp là không quá 10 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được yêu cầu hợp lệ.

Đối với công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi/có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam hoặc các trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày.

Về mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp được quy định tại Điều 4 Thông tư 244/2016/TT-BTC như sau:

STT

Nội dung thu

Mức thu(đồng/lần/người)

1

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

200.000

2

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ).

100.000

Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên hai phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ ba trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm