Theo đó, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008, để thực hiện dự án Khu du lịch phức hợp Hồ Tràm (Hồ Tràm Strip) tại huyện Xuyên Mộc. Dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh khu A1 (gồm khối khách sạn cao cấp năm sao 541 phòng, khu vui chơi giải trí, casino cho người nước ngoài và các hạng mục công trình kèm theo), sân golf 18 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 4-7, công ty có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ dự án xây sân bay chuyên dùng của công ty. Cụ thể, nhằm đưa đón khách du lịch từ các sân bay nội địa đến tham quan nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí, sử dụng các dịch vụ cao cấp tại Hồ Tràm Strip nên công ty quyết định đầu tư dự án xây sân bay chuyên dùng. Sau khi khảo sát bước đầu với sự tham dự của cơ quan chức năng, địa phương, công ty đưa ra hai địa điểm dự kiến xây sân bay (theo hình thức đầu tư BOT, thời hạn hoạt động 50 năm). Một là khu đất tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ; hai là khu đất tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu). Diện tích đất dự kiến là 200 ha.
Các sở, ngành địa phương đều đồng ý về mặt chủ trương cho phép Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm xây sân bay. Bởi việc có thêm một sân bay tại khu vực này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tuy nhiên, không chọn địa điểm xây sân bay ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Bởi khu vực được công ty đề xuất thuộc tiểu khu 22, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Ở đây 55 ha là đất rừng tự nhiên, rừng trồng cây gỗ lớn, khoảng 93 ha là đất trồng điều, tràm của dân. Các sở, ngành đều thống nhất vị trí xây sân bay nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư là ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Vị trí sân bay này sẽ gần biển.
Theo Sở GTVT, căn cứ quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2020 và định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt thì Bà Rịa-Vũng Tàu có hai cảng hàng không (tại Vũng Tàu và Côn Đảo), chưa có sân bay chuyên dùng như Hồ Tràm dự kiến. Do đó, việc mở sân bay này cũng phải được bổ sung vào quy hoạch. Khi dự án xây dựng, tỉnh cần khảo sát kỹ, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân trong bán kính 8 km tính từ hàng rào sân bay.
Phía Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng cho rằng dự án này cũng sẽ có ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh. Theo luật, việc xin xây sân bay riêng này của công ty sẽ phải trình hồ sơ lên Bộ Tổng tham mưu. Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức thẩm định, lấy ý kiến Bộ GTVT, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó mới ra văn bản chấp thuận cho mở sân bay hay không.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết luận thống nhất với chủ trương chọn địa điểm xin xây dựng sân bay chuyên dùng của công ty tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Sau lễ 2-9, tỉnh sẽ báo cáo với Tỉnh ủy. Sau đó, cũng trong tháng 9 sẽ mời công ty lên để làm việc, thông báo chủ trương, không để hồ sơ của doanh nghiệp chậm trễ.