Theo đó nhiều ý kiến đề nghị sửa lại dự thảo theo hướng thu hẹp phạm vi các DNNVV được hỗ trợ vì phạm vi như dự thảo quá rộng, nguồn lực trong nước không thể đáp ứng, việc hỗ trợ vì thế không khả thi, làm tản mát nguồn lực.
Trình bày một số vấn đề lớn về dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho hay: “Nhiều ý kiến đề nghị xem xét phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật vì quy định như hiện nay là quá rộng (DNNVV chiếm khoảng 97,9% tổng số DN) trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn”.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh.
Theo đó, UBKT đề nghị hỗ trợ theo các hướng gồm hỗ trợ cơ bản và hỗ trợ trọng tâm. Trong đó, hỗ trợ cơ bản là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả DNNVV như: vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, thông tin, tư vấn, mua sắm công, ươm tạo…
Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả DNNVV được hưởng các hỗ trợ này mà phải đáp ứng điều kiện hỗ trợ của từng nội dung hỗ trợ cơ bản. Còn hỗ trợ trọng tâm là hỗ trợ có mục tiêu, hướng vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Số lượng doanh nghiệp được nhận hỗ trợ cũng tùy thuộc vào khả năng và điều kiện của ngân sách trong từng thời kỳ.
“Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn những DN được tập trung ưu tiên hỗ trợ là những DNNVV có tiềm năng, DN sản xuất, DN khoa học và công nghệ, DN tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế như áp dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ du lịch, dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội” - ông Thanh nói.
Nhất trí với đề nghị của UBKT, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng do số lượng DNNVV trong nước rất lớn, lên tới hàng triệu DN, chiếm tới gần 98% số DN trong cả nước vì thế phải lựa chọn đối tượng DN để hỗ trợ chứ không làm tràn lan được vì nguồn lực quốc gia không đủ.
“Tôi nhất trí theo đề xuất của UBKT là hỗ trợ theo hướng cơ bản, trọng tâm… chọn những DN có nội dung ngành, nghề trọng điểm, cần thiết tạo chuỗi giá trị cao để hỗ trợ” - ông Tỵ nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đồng ý với nội dung này nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn cho rằng phạm vi hỗ trợ như đề nghị của UBKT vẫn tương đối rộng, chưa đưa ra được quan điểm hỗ trợ DNNVV của ta.
“Việc hỗ trợ chỉ nên tập trung một số DN điểm nhấn, trọng điểm, tạo chuỗi giá trị cao, vì chúng ta có đến hơn 97% số lượng DNNVV, chứ nếu đưa rộng thế này thì nguồn lực có đáp ứng được không, có khả thi không?” - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó các ý kiến cũng đề nghị xem xét lại các tiêu chí xem xét thế nào là DNNVV; việc lấy ngân sách cho DNNVV có đảm bảo tuân thủ Luật Ngân sách hay không; việc đưa ưu đãi về thuế vào trong dự thảo luật có làm vỡ chính sách thuế hiện tại; việc quy định chương trình hỗ trợ vào luật không ổn vì gây ra hiện trạng luật chạy theo chương trình, chứ không phải chương trình theo luật mà làm…
Trước các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình mục tiêu của luật nhưng không được phá vỡ các luật “rường cột” như: Luật Đất đai, Luật về thuế, Luật Ngân sách,…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện thêm dự thảo theo hướng tập trung vào những DN có xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với mô hình phát triển của Việt Nam. Nếu cần thì phải sửa đổi luật như Luật thuế thu nhập DN,…