Sáng 14-11, tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Công Thương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đoàn công tác.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu Bộ Công Thương phải làm rõ một số vấn đề. Đó là về cơ cấu tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương phải tái cơ cấu trong nội bộ, sắp xếp, tổ chức lại đi liền với tinh giản biên chế. Hiện Bộ có 30 vụ, cục, 32 trường đại học, cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty với số lượng cán bộ, công chức, người lao động rất lớn.
“Vừa qua, các cơ quan cũng đã kiểm tra công tác tiếp nhận, sử dụng, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ ở Bộ Công Thương. Công tác cán bộ có vấn đề, Bộ cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước. Bộ trưởng mới cũng rất cầu thị, cần làm tốt hơn công tác này” - ông Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp sáng 14-11. Ảnh: TP
Tiếp đến là vấn đề các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ. “Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư với các dự án này ra sao, khi thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương, đề xuất? Phương án xử lý, tháo gỡ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước thế nào?” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu vấn đề.
Cùng với đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề cập đến vấn đề đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Quan điểm của Chính phủ đã chỉ rõ Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. “Những gì Nhà nước cần làm phải làm, cái gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp làm. Dứt khoát năm nay phải đưa Habeco, Sabeco lên sàn” - ông Dũng nhất quán quan điểm.
Một điểm đáng chú ý là bảo vệ môi trường ở các dự án nhiệt điện, quy trình vận hành thủy điện cùng chiến lược phát triển năng lượng, nhất định không để miền Nam thiếu điện. Bởi tốc độ phát triển doanh nghiệp tăng lên đòi hỏi nhu cầu cấp điện càng lớn.
“Chúng ta cần phát triển thêm các nguồn điện cung ứng đủ cho phát triển. Phát triển nhiệt điện cần đi đôi với bảo vệ môi trường, cái gì dư luận, người dân còn băn khoăn cần giải thích để họ hiểu, kể cả việc mời người dân vào giám sát xử lý môi trường ở các dự án.
Chúng ta cũng đừng chỉ đưa vấn đề môi trường mà loại trừ tất cả dự án. Vừa rồi, chúng ta đưa vấn đề môi trường dự án thép Cà Ná Hoa Sen nhưng nếu dự án có công nghệ tốt, đảm bảo môi trường thì vẫn khuyến khích đầu tư, xây dựng. Chính phủ liêm chính, minh bạch là không có gì phải giấu” - tổ trưởng công tác nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương lưu ý giải trình việc đẩy mạnh các giải pháp cải cách, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp cho doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về thị trường, vốn…; quan tâm công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại;
Về xây dựng thương hiệu, hiện có nhiều vấn đề nổi lên như xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, nhất là những mặt hàng như gạo, cà phê; việc các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm dần vị trí của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.