Hỗ trợ gói 26.000 tỉ qua tài khoản hoặc trực tiếp đến dân

Ngày 12-8, Bộ LĐ-TB&XH cho biết vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, đề nghị quan tâm triển khai gói an sinh 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN). Theo đó, các địa phương phải áp dụng linh hoạt các chính sách để nhanh chóng hỗ trợ những đối tượng trên.

Nhanh chóng chuyển tiền đến tay người dân

Bộ LĐ-TB&XH cho biết dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, TP phía Nam đang thực hiện cách ly, phong tỏa, đời sống của người dân, NLĐ đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải thực hiện nhanh chóng, linh hoạt các chính sách hỗ trợ.

TP.HCM đã khẩn trương tổ chức chuyển hỗ trợ tới người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, DN tiếp cận và sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh trên cả nước chỉ đạo các cấp tiến hành hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn do dịch.

Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể ký tiếp hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bằng văn bản thì người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác như qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết do tính chất cấp thiết của việc thực hiện chính sách hỗ trợ vào thời điểm này nên các tỉnh cần sớm lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho NLĐ.

“Nhanh chóng triển khai chi trả thông qua tài khoản ngân hàng hoặc trực tiếp tới NLĐ, đặc biệt là tại những DN có số lượng lớn NLĐ đang ở khu vực bị cách ly, phong tỏa hoặc đã di chuyển về quê và đang rất cần sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần để duy trì cuộc sống…” - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Đã hỗ trợ trên 13 triệu người

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, sau một tháng triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng (theo Nghị quyết 68) tất cả tỉnh, thành trên cả nước đã ban hành kế hoạch triển khai.

Về tiến độ chi trả, 12 chính sách được chia làm ba nhóm, trong đó: Chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho hơn 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỉ đồng; chính sách hỗ trợ tiền mặt đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu lao động với số tiền là trên 1.300 tỉ đồng; chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền là trên 170 tỉ đồng.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại có trên 13 triệu lượt người được hỗ trợ, với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng.

“Theo đánh giá của chúng tôi, chính sách đang triển khai đạt hiệu quả nhất đó là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. BHXH Việt Nam đã rà soát và thông báo xong cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động, với gần 11 triệu lao động nhằm áp dụng cho thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022, tổng số tiền được điều chỉnh giảm thu lần này là khoảng 4.322 tỉ đồng…” - ông Thanh cho hay.

Chính sách đang gặp khó khăn nhất đó là chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ. Lý do, chính sách này cần tập trung NLĐ để đào tạo, hướng dẫn thực hành trực tiếp nhưng nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách nên không thể tiến hành tập trung đào tạo. Song song đó, chính sách này cần có thời gian để người sử dụng lao động xây dựng phương án và thực hiện đào tạo cho NLĐ.

“Hiện nay, bộ đã có văn bản đôn đốc những địa phương không có dịch COVID-19, không phải giãn cách xã hội xúc tiến triển khai, căn cứ theo thực tiễn địa phương để có hình thức đào tạo phù hợp, giúp DN vượt qua khó khăn…” - ông Thanh nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, đến nay ban chỉ đạo thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Bộ
LĐ-TB&XH đã phân công các thứ trưởng phụ trách các vùng khác nhau, cập nhật số liệu báo cáo hằng ngày từ các địa phương để kịp thời nắm bắt những địa phương triển khai chậm, qua đó đôn đốc để làm sao tiền hỗ trợ đến được tay người dân sớm nhất, thuận lợi nhất…

TP.HCM làm tốt hỗ trợ lao động tự do, hộ nghèo

Về việc hỗ trợ lao động tự do, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định TP.HCM đang làm rất tốt. Đến nay, TP.HCM đã phê duyệt hỗ trợ lần hai cho ba nhóm đối tượng, gồm lao động tự do, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn với kinh phí khoảng 800 tỉ đồng. TP.HCM cũng đã có cách làm linh hoạt là phân cấp về từng địa bàn, đưa tiền đến tận nơi cho NLĐ.

“Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ tiền nhà trọ cho 700.000 NLĐ với tổng số tiền 210 tỉ đồng. Cạnh đó, nhiều địa phương cũng thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này rất tốt…” - ông Thanh nhìn nhận.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TBXH vẫn tiếp tục đôn đốc các địa phương cố gắng thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Sáu đường dây nóng

Bộ LĐ-TB&XH vừa cung cấp đường dây nóng nhằm đảm bảo thống nhất trong việc hỗ trợ, giải đáp các phản ánh, kiến nghị của NLĐ và người sử dụng lao động liên quan đến gói 26.000 tỉ đồng.

Cụ thể như sau: Giải đáp chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, liên hệ số: 0886 487322, do Vụ Bảo hiểm xã hội phụ trách.

Giải đáp chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em, chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0), người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo số: 0911 011166 của Vụ Pháp chế.

Giải đáp chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, liên hệ Cục Việc làm theo số: 0911 151166.

Giải đáp chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc, ngừng việc… theo số điện thoại: 0911 154488 của Cục Quan hệ lao động và tiền lương.

Giải đáp chính sách hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và thông tin tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách theo số: 0911 191122 của Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH.

Về việc tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo, bạn đọc liên hệ Thanh tra bộ số: 0911 041122. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới