KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27.7.1947 – 27.7.2014)

Họ xứng đáng được tôn vinh

Đó là những trang sử không bao giờ quên - Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), đã trải lòng như vậy với Pháp Luật TP.HCM.

. Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, tại sao trong thời gian dài cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ít được thông tin rộng rãi trong nhân dân?

+ Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Dân tộc mình có truyền thống yêu chuộng hòa bình. Lý do dễ hiểu nhất là mình cố gắng để giữ hòa hiếu với Trung Quốc (TQ). Đặt trong bối cảnh sau các vụ xung đột dẫn đến đánh nhau đẫm máu ở biên giới, quan hệ ngoại giao bị cắt đứt trong nhiều năm, hai bên cần trở lại giao hảo bình thường để xây dựng và phát triển. Tôi nghĩ đó là sách lược phù hợp trước một TQ luôn lấn tới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta lãng quên...

. Nghĩa là chúng ta cần có sự nhìn nhận một cách đúng mực, công bằng để tôn vinh những người đã ngã xuống trong những cuộc chiến ấy?

+ Tôn vinh những người con nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc biên cương của đất nước là việc làm chính đáng, nếu trước chưa làm thì bây giờ phải làm. Tôi ủng hộ các ý kiến mà dư luận, báo chí gần đây đã đề cập đến việc tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, cũng như các cựu binh đã tham gia chiến đấu trong các trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Những người hy sinh ở tuyến đầu biên giới cũng như những người hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cần phải được tôn vinh xứng đáng. Đó là đạo lý không chỉ cho những người đã hy sinh mà cho cả thân nhân của người đã nằm xuống.

Đoàn viên, sinh viên Hà Giang thắp nến tại các ngôi mộ ở nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: TRỌNG PHÚ

. Thiếu tướng là người theo suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, kéo dài đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới sau này. Đặc biệt, là người theo sát chương trình tri ân “Nghĩa tình Trường Sơn”, chương trình này đã tri ân, xây bia, đài tưởng niệm ở những trận địa, địa danh, căn cứ ghi dấu các trận đánh ác liệt của quân và dân ta. Theo Thiếu tướng, cần phải tôn vinh với những liệt sĩ đã ngã xuống ở biên giới như thế nào?

+ Theo tôi, cần thông tin rộng rãi, giáo dục trong thế hệ ngày nay và mai sau về những cuộc chiến đấu oanh liệt đó. Cụ thể là nên bổ sung trong lịch sử, kể cả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật về những cuộc chiến ấy. Đó cần được xem là những gương sáng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là anh hùng, xứng đáng được tôn vinh. Ngoài ra nên có những đài tưởng niệm tương xứng với biết bao xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ từng tấc biên cương phía Bắc.

Mặc khác, cần xây dựng các công trình tưởng niệm và có chính sách thỏa đáng đối với anh hùng liệt sĩ và gia đình họ, cũng như những cựu binh tham gia các cuộc chiến đó. Riêng những trường hợp các liệt sĩ chưa thu thập được hài cốt, cần phải có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện việc quy tập hài cốt liệt sĩ để họ được trở về nằm dưới quê hương mình.

. Với vai trò là phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM trong nhiều năm, Thiếu tướng chia sẻ tâm tư của các cựu chiến binh tại TP như thế nào về vấn đề này?

+ Cựu chiến binh nhiệt thành tán đồng việc tôn vinh các chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Anh em đề nghị phải nói rõ đây là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, chống TQ xâm lược. Lần này phải làm thật rõ ràng, công khai chuyện TQ lúc đó xâm lược ta và ta đánh trả họ. Đó là những trang sử không bao giờ quên được. Đặc biệt, phải xem đây là cơ hội giáo dục trong nhân dân tinh thần yêu nước và luôn cảnh giác trước những mưu đồ của phương Bắc.

. Xin cảm ơn Thiếu tướng.

PHONG ĐIỀN

GS PHAN HUY LÊ, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Không bao giờ được lãng quên!


 
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tất cả những người hy sinh vì Tổ quốc đều đáng được tôn vinh, những người lính hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cũng xứng đáng được như vậy. Đó là việc rất cấp thiết phải làm. Không những thế, trong bối cảnh hiện nay việc đó cần phải làm một cách khẩn trương. Bởi vì có những thời điểm lịch sử việc này không những không được quan tâm mà thậm chí chúng ta đã phần nào đó lãng quên họ. Đây là lúc chúng ta phải khắc phục điều đó.

Cách đây không lâu, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đã tổ chức tọa đàm về vấn đề này. Qua đó, chúng tôi có đưa ra bốn đề xuất: Thứ nhất, cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc cần phải xác định một cách rõ ràng tính chất của nó, phải coi đó là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, đó là sự kiện lịch sử đã qua nên phải để cho các nhà khoa học tập hợp một cách đầy đủ và nghiên cứu một cách thấu đáo và được quyền công bố các kết quả nghiên cứu đó. Thứ ba, cần phải bổ sung nội dung này vào trong các bảo tàng quốc gia cũng như bảo tàng các tỉnh. Phải bổ sung vào sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa phổ thông. Thứ tư, phải có hoạt động bày tỏ lòng tri ân của nhân dân với các chiến sĩ, đồng thời có những hình thức tôn vinh phù hợp và bảo tồn các di tích liên quan.

Nhìn tổng quát, thời gian gần đây tôi nhận thấy chúng ta đã có nhiều thay đổi về nhận thức cũng như hành động về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, về những người lính đã đổ xương máu vào cuộc chiến đó. Thay đổi ấy rất đáng mừng và phù hợp với thực tế và phù hợp với lòng dân. Tuy nhiên, theo tôi vấn đề chính là chúng ta phải biến những thay đổi đó thành những chỉ đạo cụ thể, thể hiện trên tất cả phương diện: nghiên cứu, bảo vệ các di tích, đặc biệt là tôn vinh những người đã hy sinh và phát huy giá trị, ý nghĩa của cuộc chiến tranh này.

Tri ân tất cả người lính đã hy sinh vì đất nước, dù họ ngã xuống ở bất cứ đâu, thời điểm lịch sử nào cũng là một cách để chúng ta nhắc nhở thế hệ sau và khẳng định cam kết của đất nước đối với tất cả mọi người rằng: Không có người lính nào ngã xuống vì đất nước bị lãng quên.

VIẾT THỊNH ghi

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:

Phải công bằng với lịch sử


 
Trực tiếp cầm quân, trải qua bốn cuộc chiến tranh từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tới bảo vệ biên giới Tây Nam, tiếp đó là chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi có nhiều trăn trở về việc xác định vị trí của chiến tranh biên giới phía Bắc trong lịch sử giữ nước.

Về bản chất hai cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc phải được gọi đúng tên là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hai cuộc chiến ấy gây cho chúng ta nhiều tổn thất, khó khăn lâu dài. Về mặt thương vong, trong 10 năm ấy số thương binh, liệt sĩ không nhiều so với hai cuộc kháng chiến. Nhưng nếu xét riêng với từng trận đánh thì đã có những trận chúng ta bị thiệt hại rất lớn, chẳng hạn như ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984.

Tôi tham gia Trung ương khóa VI. Đấy là giai đoạn mà biên giới phía Bắc đi vào lắng dịu, trong lúc khối XHCN Đông Âu và Liên Xô cũ tan vỡ, sụp đổ. Trong hoàn cảnh ấy, ta với TQ tiến tới bình thường hóa quan hệ. Vì đại cục, vì mong muốn có quan hệ hữu nghị, tin cậy để tập trung phát triển kinh tế, từ đó chúng ta đã gần như không còn nhắc tới cuộc chiến tháng 2-1979 và các cuộc chiến sau đó ở biên giới phía Bắc.

Nhưng tình hình ngày càng cho thấy việc né tránh các vấn đề lịch sử với láng giềng phương Bắc là không công bằng.

Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã là trang sử chói lọi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta vẫn kỷ niệm, nhớ tới nhưng vẫn xây dựng được quan hệ hữu nghị, hợp tác với Pháp, với Mỹ. Vậy không có lý do gì để chúng ta phải tiếp tục né tránh những khúc quanh lịch sử với TQ, trong đó có hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.

Lịch sử là lịch sử. Nhắc lại hai cuộc chiến ấy, với đúng bản chất của nó, không phải là khơi hận thù mà là để con cháu ta sau này nhớ rằng quan hệ Việt-Trung, dù có tốt đẹp đến mấy thì quá khứ cũng đã từng xảy ra chiến tranh, xung đột. Nhắc lại để không bao giờ mất cảnh giác, không bao giờ ngủ quên trong hòa bình.

NGHĨA NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới