“Chỉ riêng trận đánh ngày 12-7-1984, cả sư đoàn đã hy sinh khoảng 600 người. Đại đội tôi đánh cửa mở ở vách đá 468 (nay thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) đi 104 người, về chỉ còn 39 là lành lặn”.
Trong câu chuyện của người cựu binh, dường như những ký ức của 30 năm trước như vừa xảy ra hôm qua. Anh vẫn còn nhớ rõ đến từng chi tiết, nét mặt của những người đồng đội ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7-1984 mang tên chiến dịch MB84. Cuộc chiến vệ quốc khốc liệt bảo vệ biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên những năm đó đã hình thành nên những địa danh “Ngã ba tử thần” - Ngã ba Thanh Thủy, “Đồi thịt xay” - Điểm cao 685, “Thung lũng tử thần” - thung lũng trước cửa hang Làng Lò (nay thuộc xã Thanh Thủy)…”.
Trong ngôi nhà nhỏ của đồng đội tại thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang, ông Nguyễn Xuân Đệ (quê Nghệ An), cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 149, Sư 356, nhớ lại: “Khi đó phía sau lưng chúng tôi là thị xã Hà Giang, người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng qua Hà Giang về phía Bắc 4 km về phía cửa khẩu Thanh Thủy là vùng chiến sự. Pháo địch dội bất kể ngày đêm. Sự sống và cái chết mỏng manh như sợi chỉ. Lúc ấy mỗi người một việc và nhiệm vụ của người lính chúng tôi lúc đó là cầm súng bảo vệ quê hương, gia đình mình”. Cũng chính trong cuộc chiến này, ông Đệ đã yêu và cưới một cô gái Vị Xuyên. Sau đó, sau khi giải ngũ, ông và gia đình định cư luôn tại mảnh đất mà ông đã từng cùng đồng đội của mình chiến đấu để bảo vệ.
Ông Đệ cũng là một trong những cựu chiến binh của Sư đoàn 356 vừa tham dự cuộc tiếp xúc xúc động với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào chiều 14-7, tại Hà Nội. “Như Chủ tịch nước đã nhấn mạnh trong buổi gặp gỡ với những cựu binh Sư 356 mới đây, cuộc chiến của chúng ta là cuộc chiến bảo vệ mảnh đất biên cương của mình. Chúng tôi luôn nhắc lại và kể cho nhau những ký ức xưa. Và đó là những ký ức không thể nào quên” - ông Đệ nói.
Từ ngày 25-7, anh Thắng cùng với đồng đội Nguyễn Ngọc Thạch, một cựu binh của Sư 356, đã từ Hà Nội lên Hà Giang để thăm lại chiến trường cũ và đưa đoàn làm phim của VTC tới hang Suối Cụt (nay thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên), một trong những địa điểm ém quân trước mỗi trận đánh của quân ta. 30 năm sau cuộc chiến, hang Suối Cụt chỉ cách đường lớn hơn một giờ đi bộ nhưng vẫn um tùm cỏ dại, bụi cây. Bên đường rải rác những bãi bom mìn, vỏ đạn. Trong hang vẫn còn những chiếc mũ sắt hoen gỉ lỗ chỗ, những chiếc đế giày cao su, mảnh vải ba lô… đồ dùng của những người lính vệ quốc năm xưa.
“Hà Giang thay đổi từng ngày, sầm uất, phồn vinh hơn xưa. Nậm Ngặt cũng đã có người dân về ở với hơn 50 nóc nhà. Nhưng ở quanh đây, những đồng đội của chúng tôi vẫn còn nằm đó, rải rác quanh những bãi mìn dày đặc” - anh Thắng nói.
TRỌNG PHÚ