Hơn chục năm qua, người dân ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, Hậu Giang đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn đạp xe khắp cùng làng cuối xóm đi hòa giải tranh chấp cho mọi người. Đó là bà Đoàn Thị Xuân Đào, Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở ấp Long An A.
Nữ “Bao Công” của đồng bào Khmer
“Bà con ở đây ai có chuyện gì cũng réo nhờ chị Đào, ngay cả người nơi khác cũng đến nhờ chị hướng dẫn. Còn hòa giải thì chị Đào giống như nữ Bao Công của xóm vậy, mọi tranh chấp, cự cãi gì chị Đào đến giải quyết là im re hết. Bởi những điều chị nói đều có tình, có lý nên bà con luôn tin tưởng và nghe theo” - bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ ấp Long An A) cho biết.
Rồi bà Huệ kể về câu chuyện bà Đào đi hòa giải tranh chấp giữa bà LTC (Tổ trưởng Tổ vay vốn) và hội viên NTKN. Nguyên căn, bà N. là người trúng thăm được nhận tiền vốn 4,2 triệu đồng nhưng bà C. lại không giao tiền cho bà N. nên hai bên xảy ra mâu thuẫn, suýt đánh nhau. Tiếp nhận đơn, bà Đào trực tiếp đi xác minh từ các hội viên và xác định việc bà N. trúng thăm là đúng. Sau đó, bà Đào đi gặp riêng từng người. Bà C. nói do cần tiền để trả tiền mua heo nên mới không đưa tiền cho bà N., còn bà N. cũng đang cần tiền để nuôi con dâu mới sinh con.
“Lúc này, chị Đào phân tích về trách nhiệm, chị C. làm vậy là sai, người đảng viên phải có trách nhiệm, đồng thời khuyên hai bên hóa giải mâu thuẫn. Cuối cùng bà C. đã chịu đưa tiền cho hội viên và đứng ra nhận lỗi. Lúc đó hai người cự nhau dữ lắm, tưởng đâu ra tòa luôn rồi nhưng nhờ chị Đào hòa giải mà giờ hai người này hòa thuận lại” - bà Huệ nói.
Hay như câu chuyện tranh chấp đất giữa ông Đào Lai và chùa Aranhứt. Ông Đào Lai vốn ở lâu năm trên đất thuộc chủ quyền chùa Aranhứt. Nay quản lý chùa muốn xây hàng rào nên muốn lấy lại đất, kêu ông Đào Lai dỡ nhà đi chỗ khác. Do hoàn cảnh khó khăn và đã sống lâu năm tại đây nên ông Lai không đồng ý dọn đi.
“Khi tiếp nhận vụ việc, tôi nhiều đêm thao thức nghiên cứu luật và tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết. Bởi đây là tranh chấp có liên quan đến tôn giáo và người dân tộc, nếu giải quyết không phù hợp sẽ mất đoàn kết dân tộc. Đất này thuộc chủ quyền của chùa nhưng ông Lai sống lâu năm ở đây và có nhà kiên cố. Do đó, tôi gặp bên chùa giải thích nếu chùa quyết đòi đuổi ông Lai đi thì phải bồi thường phần công trình kiến trúc, mà chùa thì không có tiền bồi thường. Còn phía ông Lai, tôi cũng giải thích nếu gia đình ông ở đây thì không được mua bán, chuyển nhượng gì vì đây là đất của chùa. Qua phân tích, động viên thì chùa đã đồng ý cho gia đình ông Lai tiếp tục ở đây. Hai bên sống vui vẻ, đoàn kết như xưa” - bà Đào nói.
Bà Đoàn Thị Xuân Đào đạp xe đi nắm bắt tình hình, hòa giải tranh chấp từ đầu trên đến xóm dưới. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Ngoài những buổi được tập huấn, ông Võ Ngọc Thành còn tự trau dồi kiến thức pháp luật thông qua tủ sách pháp luật ở khu vực. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Hòa giải bằng tâm và tài
Có thể nói, hòa giải thành bại phần lớn phụ thuộc vào hòa giải viên (HGV) có đủ tâm, đức và tài. Chia sẻ về kinh nghiệm 10 năm tham gia công tác hòa giải, ông Võ Ngọc Thành (60 tuổi, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Rạch Sung, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP CầnThơ) cho rằng HGV không những phải có kiến thức pháp luật mà còn phải có uy tín, kỹ năng, kinh nghiệm sống, vận dụng linh hoạt yếu tố pháp luật và xã hội để thuyết phục các bên đi đến thỏa thuận chung.
Theo đó, sau khi tiếp nhận một vụ việc tranh chấp, HGV xem xét toàn bộ hồ sơ, xác định nội dung, sau đó chia tổ ra làm hai nhóm tiếp cận hai bên tranh chấp để tìm ra nguyên nhân sự việc và tác động tư tưởng trực tiếp các bên. Khi tìm ra được nguyên nhân thì tiến hành họp thành viên tổ hòa giải để đưa ra ý kiến giải quyết vụ việc tranh chấp cho thấu tình đạt lý, tạo sự đồng thuận và hàn gắn tình làng nghĩa xóm. Khi tổ hòa giải đưa ra quan điểm giải quyết phải được hai bên thống nhất cao.
Ông Thành dẫn chứng có trường hợp tranh chấp ranh đất giữa hai anh em, đòi đâm chém đổ máu với nhau. Nắm được tình hình, tổ hòa giải đã tiến hành xác minh, tìm hiểu và biết được việc tranh chấp xuất phát từ hai người vợ có tính nhỏ nhen, ích kỷ, chồng khuyên răn cũng không được.
“Tổ hòa giải phối hợp với hội phụ nữ mời hai bên lên khuyên nhủ, giải thích “anh em như thể tay chân”, đừng vì vài tấc đất mà cắt đứt tình thân. Qua động viên, lý giải thì hai bên đã nhận ra được nguồn gốc đất của ông bà để lại con cháu hưởng, không gì quan trọng hơn tình thân nên đã hóa giải. Hiện hai gia đình đã hòa thuận, vui vẻ, yêu thương lẫn nhau” - ông Thành kể.
Thời gian rảnh rỗi, ông Thành còn tự trau dồi kiến thức pháp luật cho bản thân và gia đình. Đồng thời, thông qua các buổi hòa giải, ông Thành còn tuyên truyền kiến thức pháp luật, qua đó ý thức pháp luật người dân được nâng cao, góp phần giảm tranh chấp, khiếu kiện ở địa phương.
Theo UBND phường Thới Long, từ khi thi hành Luật Hòa giải cơ sở đến nay, số vụ tranh chấp phải hòa giải đều giảm qua các năm. Năm 2019, các tổ hòa giải cơ sở chỉ tiếp nhận 25 vụ, tỉ lệ hòa giải thành đạt 76%.