Đương kim Hoa khôi Du lịch Việt Nam - Hoa hậu Hoàn cầu Thế giới Đỗ Trần Khánh Ngân đã được chọn là đại sứ hình ảnh quảng bá cho “Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò năm 2018". Tham gia tuần lễ này, hoa hậu Khánh Ngân còn trở thành giám khảo đặc biệt của cuộc thi “Người đẹp Mường Lò”.
Trong hoạt động đồng hành cùng “Lễ hội du lịch Mường Lò 2018”, trong tuần văn hóa trên, Khánh Ngân đã tham gia nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng của nơi đây. Đồng thời cô cũng được tham quan những điểm đến đặc biệt của núi rừng Tây Bắc để quảng bá những vẻ đẹp này.
Đó là những địa điểm như: Thung lũng Mường Lò (huyện Mù Căng Chải, Yên Bái). Du ngoạn cung đường đẹp nhất Tây Bắc từ Thác Bà - Mường Lò - Mù Căng Chải đến Sa Pa và tham quan động Tiên Nữ. Đây là hang động tự nhiên mới được phát hiện và khai mở đầu năm 2018, nằm dưới chân đèo Khau Phạ có chiều dài gần 1.000 m. Động Tiên Nữ ẩn chứa nhiều chuyện kỳ bí của dân tộc Thái, được đánh giá là lạ và hấp dẫn.
Được biết "Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò - Lễ hội Du lịch Mường Lò 2018" do UBND thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái tổ chức với nhiều nội dung như trình diễn màn đại xòe; diễu diễn đường phố; hoạt động tuyến phố ẩm thực; biểu diễn văn nghệ đường phố, thi bắn nỏ và các môn thể thao truyền thống; triển lãm ảnh nghệ thuật; hội thi ẩm thực các món ăn dân tộc.
Để hưởng ứng "Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò 2018", hai huyện Văn Chấn và Trạm Tấu của Yên Bái cũng diễn ra một số hoạt động như: Hội thi giã cốm xã Tú Lệ, Giải đua ngựa truyền thống xã Sơn A, du lịch mạo hiểm, du lịch tín ngưỡng trên núi Tà Xùa và núi Tà Chì Nhù.
Riêng Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh (Điện Biên). Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ - Mường Lò được biết đến là mảnh đất thơ mộng, trữ tình, được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên quanh năm mây trắng.
Với dòng Nậm Thia, Nậm Đông, Nậm Tộc huyền thoại chảy quanh mang theo những phù sa màu mỡ bồi đắp thêm sự phì nhiêu của cánh đồng Mường Lò rộng lớn thứ hai Tây Bắc. Nơi đây hội tụ 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 48% dân số. Khai thác thế mạnh về văn hóa, lịch sử, về vị trí địa lý trung tâm của các huyện thị phía Tây và các danh lam thắng cảnh lịch sử như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ… Năm 2003, thị xã Nghĩa Lộ vinh dự được chọn là một trong bốn huyện thị của cả nước xây dựng thị xã văn hóa miền núi phía Bắc.
Trong số bốn thung lũng lớn nổi tiếng vì phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành ở vùng Tây Bắc thì cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) và đứng trên Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) và Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Mường Lò hiện nay gồm thị xã Nghĩa Lộ và một số xã thuộc huyện Văn Chấn. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Lò như một cái chảo lớn, xung quanh là những triền núi quanh năm mây phủ.
Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt đề án xây dựng thị xã văn hóa-du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013-2020. Năm 2015, Xòe Thái Nghĩa Lộ-Mường Lò đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, thị xã Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái đã có đề tài nghiên cứu khoa học về xòe cổ và nhiều giải pháp khôi phục, phát huy, truyền dạy sáu điệu xòe cổ trong nhân dân. Kết quả này đã được ghi dấu ấn tượng bằng màn trình diễn đại xòe cổ lớn nhất xác lập kỷ lục Việt Nam với sự tham gia của 2013 diễn viên, nghệ nhân, nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã.
Tỉnh Yên Bái còn đóng góp vào việc bảo tồn Hạn Khuống - một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái đang được thị xã Nghĩa Lộ khôi phục, bảo tồn, hướng tới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Hạn Khuống được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Thái ở Nghĩa Lộ. “Hạn Khuống”, nghĩa đen của tiếng Thái là “Sàn sân”, tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân.
Hình ảnh hoa hậu Khánh Ngân trong Lễ hội Du lịch Mường Lò 2018: