Hoài Linh có thật xuất sắc trong Dạ cổ hoài lang?

Nhưng để có gì đọng lại sau các vai diễn đó thì thật là một sự kiếm tìm khó khăn. Bởi các vai diễn của họ hầu hết là vai hài hoặc khách mời để bán vé.

Chiều 17-3, bộ phim Dạ cổ hoài lang đã có buổi ra mắt truyền thông và giới chuyên môn để ngày 24-3 chính thức ra rạp cả nước. Trong buổi chiếu phim, rất nhiều người đã nhiều lần rơi nước mắt bởi dường như trong tâm trí thế hệ khán giả sinh năm 1970-1980, họ đã có quá nhiều ký ức đẹp với vở kịch Dạ cổ hoài lang, với câu ca “từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phán lên đàng…”. Thế nên phim lại một lần nữa nhắc nhớ và làm đẹp thêm hồi ức của họ.

Dạ cổ hoài lang của người trẻ

. Phóng viên: Anh đã xem kịch Dạ cổ hoài lang bao nhiêu lần, ký ức đó đẹp hay nặng nề khiến anh phải đưa nó lên phim?

+ Đạo diễnNguyễn Quang Dũng: Dạ cổ hoài lang là vở kịch gắn với ký ức tôi. Ở vở kịch này, mỗi độ tuổi sẽ có một cảm nhận riêng bởi sự cách biệt văn hóa, lối sống giữa các thế hệ trong gia đình người Việt ở nước ngoài lẫn trong nước đều luôn xảy ra. Khoảng ba năm trước, tôi cùng nhà sản xuất mong muốn làm và may mắn nghệ sĩ Thanh Hoàng (tác giả vở kịch Dạ cổ hoài lang) đã chấp nhận chấp bút cùng tôi thực hiện kịch bản cho bộ phim. Và với phim, câu chuyện Dạ cổ hoài lang kể được nhìn từ góc nhìn người trẻ xa quê, chứ không chỉ từ hai ông già với nỗi hoài vọng cố hương.

. Khi mời hai nghệ sĩ là Hoài Linh và Chí Tài làm hai gương mặt chính trong poster phim thay vì diễn viên trẻ như Will, Oanh Kiều… thậm chí là Ngọc Hiệp, anh có nghĩ mình đang đặt cược với khán giả trẻ?

+ Thật sự vì phim không có cô nào hay anh nào xinh đẹp bởi nhân vật chính là anh Hoài Linh và anh Chí Tài thủ vai. Câu chuyện phim là chuyện của hai ông già mà tôi nghĩ đây cũng là hai nghệ sĩ ăn khách nên việc mời họ đưa lên poster là hợp lý.

Bên cạnh đó chúng ta đang nghĩ trai xinh gái đẹp sẽ thu hút, nó tương tự như việc chúng ta hiện nay không đa dạng phim. Phim chủ yếu hiện nay là phim với tuyến nhân vật có tình yêu đầu đời lãng mạn, trong sáng; phim hài… điều đó không hẳn là cái dở của nền điện ảnh vì nó vẫn ăn khách nhưng chúng ta không có nhiều câu chuyện khác. Bản thân tôi là người làm phim, coi riết cũng ngán các màu phim như thế nên trước tiên khi làm phim này, chính tôi cần có nhu cầu thay đổi với cảm xúc mới. Và với riêng tôi, trong cuộc đời có nhiều câu chuyện hay, câu chuyện chân thật, Dạ cổ hoài lang là một câu chuyện như thế.

Cặp đôi Hoài Linh - Chí Tài đã có vai diễn điện ảnh để đời qua Dạ cổ hoài lang. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Hoài Linh và Chí Tài từng có những hoài vọng cố hương

. Nghệ sĩ Hoài Linh trước nay trên sân khấu “ăn” hơn trên điện ảnh và nhất là trong phim này, Hoài Linh vào vai mà vốn là vai để đời của nghệ sĩ Thành Lộc trên sân khấu. Vậy sau khi phim hoàn thành, anh nhận thấy vai diễn của nghệ sĩ Hoài Linh như thế nào?

+ Tôi rất thần tượng anh Thành Lộc với kịch Dạ cổ hoài lang. Anh Hoài Linh cũng từng diễn Dạ cổ hoài lang nhưng tôi chưa được xem anh Hoài Linh ở vai diễn này trên sân khấu. Mới đầu, tôi cũng mong muốn mình được hợp tác với anh Thành Lộc và anh Việt Anh trong dự án phim này bởi hồi nhỏ tôi xem và ấn tượng với hai anh ở kịch. Nhưng sau này xem lại, tôi nghĩ rằng họ đã thành công và rất hay trên sân khấu, mà phim mình không thể nào giống kịch được và nếu làm giống vậy cũng khó hay hơn nên mình nghĩ hãy làm gì đó cho khác đi, cho có góc nhìn riêng của mình. Hơn nữa, với kịch thì anh Thành Lộc đã là tượng đài nên tôi vẫn muốn giữ tượng đài đó trên sân khấu.

Tôi không mời anh Hoài Linh chỉ vì anh mê cải lương bởi mê cải lương hầu như người nào cũng mê. Tôi mời anh Hoài Linh bởi anh Linh có sự chân chất rất giống ông già Nam Bộ. Thứ hai, cả anh Hoài Linh và Chí Tài đã có thời gian sống ở nước ngoài, họ có trải nghiệm nhiều để cảm nhận được sự xa xứ chân thật hơn. Tôi nghĩ phim cần những điều như vậy.

. Được biết phim anh đã phải chuyển bối cảnh từ Mỹ sang Canada, việc chuyển có ảnh hưởng gì đến nội dung phim?

+ Việc chuyển cảnh không gây ảnh hưởng nội dung mà chỉ giúp giảm chi phí sản xuất. Ban đầu tôi dự tính quay cảnh mùa đông ở New York nhưng thật sự chi phí cho đoàn quay ở đó quá đắt đỏ nên đoàn quyết định chuyển sang bối cảnh ở Canada. Ngay cả chuyển bối cảnh như vậy không phải muốn là vác máy tới quay mà chúng tôi phải qua lại nhiều lần để tìm được tuyết rơi đúng như mong muốn phim. Chính việc chuyển bối cảnh, tìm cảnh đúng mong muốn… đã ngốn thời gian của đoàn mất một năm.

. Xin cám ơn anh.

Hơn 1.000 suất diễn và một phim điện ảnh

Vở kịch Dạ cổ hoài lang của tác giả Thanh Hoàng ra mắt cách đây 22 năm và cho đến tận bây giờ, vở kịch này đã làm mưa làm gió trên khắp Việt Nam và cả hải ngoại với hơn 1.000 suất diễn. Trên sân khấu, Dạ cổ hoài lang đã đem lại đầy ắp tiếng cười và cũng lấy đi biết bao nước mắt của khán giả. Vở kịch đã làm hàng vạn khán giả say mê do đã đặc biệt chạm đến các cung bậc cảm xúc của khán giả Việt kiều, những người từng trải qua hoàn cảnh sống tương tự và cũng khơi dậy sự cảm thông của khán giả trong nước.

Khi đưa lên phim, nhiều người lo lắng phim sẽ làm hỏng kịch, nhiều khán giả “khuyên” hãy để yên vở kịch sống trên sân khấu của nó nhưng sau khi bộ phim chiếu cho báo giới và chuyên môn, nhiều người đã nhận định phim vẫn giữ được “tấm lòng” mà kịch từng gửi gắm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới