Hoãn xử vụ trục lợi chính sách hỗ trợ tàu cá để triệu tập các công ty đóng tàu

(PLO)- Khi đang ở phần xét hỏi vụ trục lợi chính sách hỗ trợ tàu cá, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập các công ty đóng tàu đến tham dự trực tiếp phiên tòa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-1, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã hoãn phiên tòa xét xử vụ trục lợi từ chính sách hỗ trợ tàu cá.

Trong vụ án, 13 bị cáo bị xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội mua bán trái phép hóa đơn.

Trong đó gồm nhóm các bị cáo là chủ tàu cá; cựu cán bộ Chi cục Thủy sản, cựu giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; cựu cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT.

Bị hại vụ án là UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm giám đốc các công ty đóng tàu ở TP.HCM, Khánh Hòa.

Ban đầu phiên tòa dự kiến xét xử trong 2-3 ngày, bắt đầu từ sáng 11-1. Tuy nhiên sau vài buổi xét hỏi nhiều vấn đề còn chưa rõ. Trong đó có liên quan đến vai trò, trách nhiệm của các công ty đóng tàu đã ký hợp đồng đóng tàu cho các bị cáo là chủ tàu cá.

Trước đó, trong buổi khai mạc phiên tòa, các công ty đóng tàu có mặt. Tuy nhiên ở các buổi xét hỏi sau đó họ có đơn xin xét xử vắng mặt. Do nhiều bên đề nghị được hỏi trực tiếp các công ty đóng tàu nên hết giờ xử sáng 15-1, tòa đã tạm dừng phiên tòa để triệu tập các công ty trực tiếp có mặt tại tòa, dự kiến đến chiều 16-1 sẽ xét xử tiếp.

Tuy nhiên đến ngày 16-1, thư ký tòa đã thông báo cho các bên về việc hoãn phiên tòa. Lịch xét xử lại sẽ được thông báo sau.

Hoãn xử vụ trục lợi chính sách hỗ trợ tàu cá để triệu tập các công ty đóng tàu đến trực tiếp tại tòa
Các bị cáo tại phiên tòa trước khi có thông báo tạm dừng, hoãn phiên tòa. Ảnh: TK

Như PLO thông tin, theo cáo trạng, tháng 2-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 17 sửa đổi Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư.

Chủ tàu là các bị cáo trong vụ án đều nằm trong danh sách của tỉnh đủ điều kiện đóng mới tàu cá vỏ composite để hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư nhưng lúc ấy lại chưa có vốn.

Từ tháng 8-2019, các chủ tàu cá lần lượt thỏa thuận với Lê Minh Xuân (giám đốc một công ty tại TP Vũng Tàu) về việc Xuân đóng tàu cho họ tại các công ty đóng tàu ở Khánh Hòa và TP.HCM. Bị cáo Xuân cho các chủ tàu tạm ứng tiền để đóng vỏ tàu và cho nợ để mua một số máy móc, động cơ gắn với thân tàu.

Quá trình đóng tàu, hai công ty đóng tàu đều liên hệ với Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản để đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.

Sau đó, Xuân hướng dẫn các bị cáo là chủ tàu cá ký kết các hợp đồng kinh tế, mua bán khống (một phần/toàn bộ) giá trị vỏ tàu và trang thiết bị lắp đặt để hợp thức hóa việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT đưa vào hồ sơ quyết toán. Việc này nhằm nâng giá thành đóng tàu cao hơn thực tế.

Trong quá trình đăng kiểm, nhóm các bị cáo thuộc trung tâm Đăng kiểm thuộc Tổng cục Thủy sản dù biết cả các tàu này đều đang đóng dở dang, chưa đủ điều kiện nhưng vẫn lập các biên bản kiểm tra xác định tàu đã thi công hoàn thiện. Từ đó, bị cáo Đào Hồng Đức (giám đốc trung tâm đăng kiểm) đã cấp sổ đăng kiểm cho 3 tàu cá trên.

Tháng 11-2020, nhóm Xuân nộp hồ sơ tại Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản và chi hỗ trợ theo Nghị định 17. Lúc này, nhóm các bị cáo là cán bộ Chi cục Thủy sản trong quá trình kiểm tra, giám sát biết tàu đang đóng dở, không đủ điều kiện thụ lý hồ sơ để giải quyết vẫn thụ lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận khai thác thủy sản.

Sau đó họp tổ thẩm định, kết luận giá thành đóng tàu cũng như mức đề nghị hỗ trợ cho các chủ tàu. Tháng 11-2020, ông Trần Văn Cường, giám đốc Sở NN&PTNT đã ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt chi hỗ trợ cho 3 tàu cá...

Cáo trạng kết luận, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 34 tỉ đồng. Hiện các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, theo cáo trạng ghi nhận là khoảng 35 tỉ đồng-vượt so với mức ngân sách bị thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm