Học giả Trung Quốc ngụy biện về biển Đông

Tại Hội thảo Quốc tế về biển Đông lần thứ VII - 2015, TS Thẩm Đinh Lập, hiện là phó giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (ĐH Phúc Đán, Trung Quốc) đã đưa ra những lập luận nhằm lý giải chủ trương của Trung Quốc cũng như những hành động trên thực tế của nước này tại khu vực biển Đông. Những lập luận này mang tính ngụy biện và cần phải được làm rõ.

Hiểu sai, đánh lận con đen

Thứ nhất, ông Lập cho rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS quy định về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển chỉ đơn thuần là quy định về quyền kinh tế và không liên quan đến chủ quyền. Ở đây, ông Lập đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai các quy định của Công ước Luật Biển 1982 về vùng đặc quyền kinh tế, trong đó Điều 56 quy định rõ về các quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển. Các quyền mà quốc gia ven biển có được là sự thể hiện của nguyên tắc “đất thống trị biển” cho phép mở rộng các quyền về khai thác lợi ích kinh tế của một quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời trao cho các quốc gia ven biển quyền tài phán hợp pháp đối với các lĩnh vực lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Với lập luận này, ông Lập đã bỏ qua thực tế rằng những vùng biển mà Trung Quốc đang tiến hành những hành động trái phép là thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, một quốc gia ven biển. Những quyền này xuất phát và có liên hệ với chủ quyền của Việt Nam trên đất liền và từ các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ hai, ông Lập cũng “đánh lận con đen” khi cố gắng bào chữa rằng việc Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án vì đã có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế là “bất công” đối với nước này bởi lẽ theo ông, các nước khác như Việt Nam cũng đang vi phạm (ám chỉ việc cải tạo các công trình trên các đảo mà Việt Nam có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa). Đây là một lập luận ngụy biện và khá nguy hiểm. Vì hoạt động của Việt Nam tại đây đang được tiến hành trên các đảo mà Việt Nam có chủ quyền hợp pháp và do đó đây chính là một hoạt động hợp pháp. Mặt khác, đây là hoạt động cải tạo đã từ trước đó và hoàn toàn không làm thay đổi hiện trạng hoặc tạo ra sự đe dọa về quân sự cũng như an ninh hàng hải, hàng không. Ở đây, ông Lập cũng đã cố tình quên rằng từ năm 2014 đến nay Trung Quốc đã tiến hành một cách ồ ạt với quy mô lớn chưa từng có để biến đổi các bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà họ cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực của Việt Nam như Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập… trở thành những đảo nhân tạo có quy chế pháp lý hoàn toàn khác với trước đó theo luật biển quốc tế. Hơn nữa, việc cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc một mặt nhằm mục đích rõ ràng là củng cố yêu sách của nước này tại khu vực này, đồng thời biến các thực thể đó trở thành các căn cứ quân sự khổng lồ với các pháo đài, đường băng quân sự, khu neo đậu tàu chiến… tạo ra một mối đe dọa to lớn đối với hoạt động hàng hải, hàng không tại khu vực này.

Ảnh chụp vệ tinh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép. (Nguồn: AFP)

Ông Thẩm Đinh Lập, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (ĐH Phúc Đán, Trung Quốc), trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Zing.vn

Về cái gọi là “nhượng bộ” của Trung Quốc

Thứ ba, ông Lập tiếp tục cho rằng Trung Quốc mong muốn đàm phán song phương với các nước liên quan và cho đó là điều quan trọng để hiểu nhau trước khi bắt đầu đàm phán đa phương. Lập luận này cho thấy ý đồ của Trung Quốc là đem vấn đề lợi ích để tạo ra sự chia rẽ giữa các nước liên quan và tránh cho Trung Quốc phải đối mặt với áp lực từ phía cộng đồng quốc tế. Ở đây, ông Lập đã nhập nhằng hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, giữa việc những tranh chấp với các nước về vấn đề chủ quyền với vấn đề quyền và lợi ích của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các quyền tự do biển cả, mà tiêu biểu là quyền tự do hàng hải, tự do hàng không. Mặt khác, ông Lập cũng cố tình tránh né vấn đề mà các nước trong khu vực và trên thế giới phản đối kịch liệt và đòi hỏi phía Trung Quốc phải công bố rõ ràng, đó là vấn đề đường cơ sở chín đoạn của nước này. Ở vấn đề này, đường cơ sở vô lý của Trung Quốc liên quan đến không chỉ các nước trong khu vực mà còn là các nước có quyền lợi liên quan. Chính vì vậy, đây phải là vấn đề mang tính quốc tế và phải giải quyết ở phạm vi đa phương.

Cuối cùng, ông Lập cũng lập luận rằng để giải quyết vấn đề biển Đông thì cần phải có sự nhượng bộ và sự nhượng bộ này phải đến từ hai bên chứ không thể chỉ có một bên nhượng bộ (ý nói Trung Quốc). Ở đây ông Lập đã sử dụng thuật “giả ngôn” để làm cho dư luận hiểu rằng chỉ có Trung Quốc mới là quốc gia tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế, đồng thời đổ vấy cho các nước liên quan cố tình làm xấu đi tình hình. Thực tế thời gian qua đã cho thấy chính Trung Quốc mới là bên gây hấn, sử dụng các thủ đoạn và bất chấp luật pháp quốc tế trên biển Đông. Những hành vi ban hành lệnh cấm đánh bắt, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam và ngang nhiên cải tạo các thực thể ngầm… đã cho thấy một thực tế không thể chối cãi rằng ai là người vi phạm và ai mới là người phải nhượng bộ theo cách hiểu của Trung Quốc. Những thông tin, bằng chứng mà chính các diễn giả đã đưa ra trong hội thảo lần này cũng chính là những cơ sở quan trọng bác bỏ sự ngụy biện của học giả Trung Quốc.

Lập luận của Trung Quốc không thuyết phục

Bắc Kinh cần đưa ra những lập luận thuyết phục rằng yêu sách của mình là hợp pháp và… chứng tỏ rằng mình không hiếu chiến. Sự mập mờ về pháp lý cho thấy mục tiêu của Bắc Kinh hướng tới là hợp pháp các yêu sách bằng những cách diễn giải khác.

GS LISELOTTE ODGAARD,
Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm