Biển Đông: Không bão lớn nhưng cuồn cuộn sóng ngầm

Hơn 200 đại biểu, trong đó có gần  quốc tế tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Năm 2015, biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn, đe dọa sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông trên biển quan trọng hàng đầu của thế giới; đe dọa tính mạng và sự mưu sinh của hàng triệu ngư dân đã đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên biển Đông hàng ngàn năm qua, đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực”. Cùng đó, nguyên trạng trên biển Đông đang thay đổi nhanh chóng về so sánh lực lượng của các bên trực tiếp liên quan tới tranh chấp ở biển Đông, sự hiện diện và mức độ hoạt động của các bên có lợi ích ở biển Đông và cả thực trạng chiếm đóng của các bên tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang gây ra những tác động tới an ninh và phát triển của khu vực này.

Ông Quý nhìn nhận cộng đồng học giả khu vực và quốc tế đã có những nỗ lực rất lớn trong việc theo sát diễn biến ở biển Đông, kịp thời đánh giá, phân tích chính sách và hành động của các bên liên quan, đưa ra các kiến nghị chính sách để chính phủ các nước hành động có trách nhiệm hơn ở biển Đông. “Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ biển Đông trở thành một điểm nóng mới ngày càng lớn”.

Nêu ý kiến tại hội thảo, GS Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi, Ấn Độ, cho rằng: “Không nơi nào đối mặt với nhiều thách thức như ở biển Đông”.

Theo GS Chellaney, nguyên nhân của những căng thẳng mới hiện nay trên biển thường bắt nguồn từ các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên biển. Cùng đó, các yêu sách chủ quyền, sự tăng cường sức mạnh hải quân cùng chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên ở một số nước làm gia tăng căng thẳng và đe dọa đến tự do hàng hải ở biển Đông. “Những tuyến đường biển Đông ngày càng có nhiều xung động và đứng trước nguy cơ bị tổn hại trước các vụ việc nghiêm trọng” - GS Chellaney nói.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các hoạt động đơn phương thay đổi nguyên trạng và tạo ra sự căng thẳng, đối đầu trong khu vực từ hành động của Trung Quốc. Và chứng minh bản chất của sự tham gia và tăng cường hiện diện của các nước trên biển Đông như thời gian qua là dựa trên yêu cầu hợp pháp về đảm bảo các quyền tự do trên biển mà luật pháp quốc tế đã công nhận. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần hướng tới xây dựng một cơ chế hợp tác hữu hiệu ở tầm khu vực nhằm giải quyết tình trạng trên.

Hôm nay (24-11), hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra với các phiên còn lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm