Học luật bằng phim, kịch…

Nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho sinh viên bằng phương pháp chủ động, trực quan, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức chương trình Sinh viên đồng hành cùng pháp luật. Chương trình được hàng ngàn sinh viên trong khối ĐHQG hưởng ứng. Mỗi trường thành viên đăng ký theo đội, nhóm để tham gia tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa, bao gồm thi trắc nghiệm, thiết kế video, dựng các pano, khẩu hiệu và giao lưu, tư vấn pháp luật… Các nội dung luật được tìm hiểu chủ yếu là luật giao thông đường bộ; luật hình sự, dân sự, luật bình đẳng giới…

Tuyên truyền đội mũ bảo hiểm

Chúng tôi dạo một vòng quanh các trường trực thuộc của ĐHQG và ở đâu cũng gặp những nhóm sinh viên đang say sưa dựng tiểu phẩm hoặc các video clip dự thi bằng các phương tiện rất sinh viên, cây nhà lá vườn. Nội dung các tiểu phẩm dự thi rất sát sườn, gần gũi với đời sống sinh viên.

Chiến, Trường ĐH Kinh tế-Luật, cho biết lý do chọn luật giao thông làm nội dung chính cho vở kịch dự thi của nhóm mình là “các con đường nội bộ trong làng ĐH Thủ Đức được tụi em đặt tên là đường nhiều chiều. Xe cộ chạy lộn xộn dọc ngang, sinh viên chạy xe không mấy ai đội mũ bảo hiểm”. Những quang cảnh thật của sinh viên: Ở trọ, sống thử, sa chân vào ma túy, đánh nhau, uống rượu say rồi lái xe… được ghi nhận lại thành tác phẩm dự thi dẫn dắt câu chuyện đến luật cư trú, luật ma túy, luật giao thông, luật bình đẳng giới… một cách nhẹ nhàng.

Hồng Ánh, Trường ĐH Kinh tế-Luật, bày tỏ: “Qua tác phẩm dự thi của nhóm, tụi em mong sẽ vận động được các bạn đội mũ bảo hiểm khi lái xe trong làng đại học”. Huỳnh Chí Tài, trưởng một nhóm sinh viên vừa dự thi kịch vừa thi video clip (ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG), cho biết: “Phương châm của nhóm là nói chuyện luật trên tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái..., khi xem khán giả có thể cười vui vẻ nhưng ẩn chứa bên trong đó vẫn là một bài học nhất định mà nhóm muốn thể hiện”.

Học luật bằng phim, kịch… ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế-Luật tập dượt tiểu phẩm dự thi. Ảnh: TRÀ GIANG

Rộn ràng chuẩn bị

500 đó là con số sinh viên đăng ký dự thi trắc nghiệm mà ban tổ chức mới thống kê sơ bộ. Hàng trăm sinh viên khác tham gia 50 đội thi video clip và 40 đội thi tiểu phẩm kịch.

Những ngày này, vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật, khuôn viên ký túc xá các trường ĐHQG rộn ràng các nhóm tập kịch. “Nhóm em phải đến sớm mới giành được chỗ ưng ý trong khuôn viên ký túc xá để tập kịch dự thi, có rất nhiều nhóm hẹn tập ở đây” - Hoài Hương, Trường ĐH Kinh tế-Luật, cho biết. Đức Anh, trưởng một nhóm dự thi khoe nhóm của bạn phân công nhiệm vụ cho các thành viên rõ ràng: người lo phục trang, người lo kịch bản, diễn viên, hậu cần… đầy đủ. Lịch tập đã được lên cụ thể từ mấy tuần trước để ai cũng chủ động sắp xếp đến tập đúng giờ.

Các nhóm dự thi bằng clip thì ngày ngày ôm máy ảnh, điện thoại di động phục kích các cảnh quay “đắt” để dựng phim tài liệu. “Hầu hết tụi em không có máy quay phim, chỉ sử dụng máy ảnh kỹ thuật số để quay” - Hiền, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết. Với thời lượng chỉ hơn 2 phút dành cho clip, các đội thi phải vận dụng hết khả năng sáng tạo để chuyển tải hết thông tin.

Huỳnh Chí Tài phấn khởi nói: “Công việc chuẩn bị cho cuộc thi tuy chiếm một phần thời gian nhưng bổ sung nhiều kiến thức luật bổ ích. Lúc đầu bọn em thành lập nhóm theo từng êkíp tìm hiểu về pháp luật, sau đó viết kịch bản cho clip và sân khấu hóa rồi tổ chức đi quay”.

“Đội em có năm người, tuy nhiên được sự giúp sức của rất nhiều bạn khác trong lớp cũng như trong trường nên ai cũng háo hức. Mọi người phải tự chuẩn bị cho mình một kiến thức luật đầy đủ, kỹ năng làm clip, khả năng diễn xuất..., đây không phải là công việc của một sớm, một chiều” - một thành viên trong nhóm của Trường ĐH Công nghệ thông tin cho biết thêm.

Phần thi thiết kế video

- Các nhóm trình bày ý tưởng tuyên truyền pháp luật dưới hình thức thiết kế video (thời gian từ 2 đến 3 phút) với nội dung đa dạng, phong phú. Quá thời gian quy định, sản phẩm sẽ không được tính điểm.
Mỗi nhóm có thể gửi nhiều video tham gia, không hạn chế số lượng. Yêu cầu nội dung video: Phải có tác dụng tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, đặc biệt là các luật cơ bản gắn với thanh niên.
Hình thức trình bày trên video sinh động, sáng tạo.

- Hạn chót gửi sản phẩm dự thi: 26-11-2010.

Phần thi sân khấu hóa

- Các nhóm xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa.

- Mỗi tiết mục dự thi từ 7 đến 10 phút.

- Thời gian tổng duyệt và chấm điểm các tiết mục dự thi: 27-11-2010.

TRÀ GIANG - HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm