Học sinh cấp 3 tò mò về cách để xuất bản một quyển sách

Mới đây, tại Đường Sách TP.HCM diễn ra buổi giao lưu chuyên đề Làm thế nào để viết một tác phẩm và xuất bản một quyển sách với nhà văn, nhà báo Trung Nghĩa và gần 100 học sinh (HS) chuyên văn trường THPT Lê Hồng Phong.

Các GV và HS của hai lớp chuyên văn trường THPT Lê Hồng Phong tại buổi giao lưu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bắt đầu viết từ những câu chuyện nhỏ

Chia sẻ làm thế nào để viết một tác phẩm, nhà văn, nhà báo Trung Nghĩa cho biết mỗi chúng ta đều đã bắt đầu viết từ những lần làm văn, viết nhật ký hay viết những nội dung chia sẻ trên mạng xã hội. “Chúng ta xây dựng cho mình một thói quen viết, phải ngồi vào bàn và hành động. Từ đó chúng ta phát triển về phong cách, cách sử dụng từ ngữ, bố cục tác phẩm” - nhà văn Trung Nghĩa chia sẻ.

Nhà văn Trung Nghĩa chia sẻ cách viết một tác phẩm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cũng theo nhà văn, sự sáng tạo, khai phá là tố chất quan trọng của mỗi tác giả. Khi viết tác phẩm, cần đặc biệt chú ý chi tiết. Một tác phẩm có thể hình thành bố cục hay chủ đề trước, nhưng tác phẩm sẽ được độc giả nhớ mãi bằng những chi tiết dù là những chi tiết nhỏ.

Tại buổi giao lưu, rất nhiều HS đặt những câu hỏi xoay quanh nhiều vấn đề về sách. Trần Bảo Tiên (HS lớp 11 chuyên văn 2 trường THPT Lê Hồng Phong) bật mí bản thân đã viết truyện cho em gái đọc từ khi còn học lớp 9. Ban đầu Tiên viết để rèn luyện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên, chủ yếu là những câu chuyện khoa học viễn tưởng tự tưởng tượng ra vì em gái đam mê những mẫu chuyện này.

Trần Bảo Tiên (HS lớp 11 chuyên văn 2 trường THPT Lê Hồng Phong) đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Em gái là độc giả số một của em. Em ấy rất thích giọng văn và các câu chuyện hư cấu em viết. Tuy nhiên em cảm thấy các nhân vật trong truyện của em hơi một màu, chưa đặc sắc lắm. Em luôn thắc mắc làm thế nào để nhân vật mà em xây dựng sẽ đa màu sắc và sinh động hơn” - Bảo Tiên đặt câu hỏi cho các nhà văn tại buổi giao lưu trò chuyện.

Nhà văn Trung Nghĩa trả lời Bảo Tiên rằng khi viết về nhân vật phải có sự thay đổi về tính cách, nhân sinh quan trong từng giai đoạn để tác phẩm trở nên sinh động hơn. Đồng thời khuyên Tiên nên đưa các câu chuyện cho bạn bè, thầy cô đọc và góp ý. Người thân quen chính là những độc giả đầu tiên sẽ cho ta nhiều nhận xét chân thực nhất.

Bảo Tiên cho biết sẽ làm theo lời nhà văn, sắp tới sẽ cố gắng hoàn thiện ngòi bút để trong tương lai có thể xuất bản quyển sách của chính mình.

HS ghi chú lại những kiến thức học được từ buổi giao lưu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Phạm Kim Loan (HS lớp 11 chuyên văn 2 trường THPT Lê Hồng Phong) cũng có đam mê với sách từ năm lớp 7. Kim Loan chia sẻ: “Em may mắn khi có cơ hội đến đây để nghe nhiều điều thú vị xoay quanh một quyển sách. Em thích đọc nhiều sách vì nó mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về đam mê và hành trình khám phá bản thân. Các nhà văn ở đây là động lực và là hình mẫu em muốn hướng tới”.

Phạm Kim Loan (bên trái) có đam mê với sách từ năm lớp 7. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trong buổi giao lưu, nhà văn Phương Huyền vô tình có mặt và được mời lên sân khấu trò chuyện cùng các HS. Nhà văn chia sẻ với các HS rằng chất liệu sáng tác không ở đâu xa mà ở ngay bên cạnh chúng ta, chính từ những câu chuyện xảy ra xung quanh cuộc sống.

Nhà văn Phương Huyền (ở giữa) chia sẻ về chất liệu sáng tác. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Ví như sách thiếu nhi của tôi được kể trên hành trình tôi làm bạn với con. Hay tác phẩm tôi vừa mới ra mắt Yêu một chút cũng đâu có sao, những câu chuyện trong đó không phải hư cấu, cũng không phải là những câu chuyện thật 100% của tôi. Đấy là những câu chuyện tôi được chứng kiến và quan sát, từ đó cảm nhận và đưa chúng vào những câu văn có hồn để gửi đến bạn đọc” - nhà văn Phương Huyền tâm sự.

Muốn gom các chuyện trên blog thành sách

Tại buổi trò chuyện, các HS còn đặt nhiều câu hỏi khác, trong đó nổi bật là những câu hỏi về cách xuất bản sách. Trần Huỳnh Thiện Nhân (HS  lớp 11 chuyên văn 1 trường THPT Lê Hồng Phong) cho biết rất phấn khởi khi được nghe nhà văn Trung Nghĩa chia sẻ những kiến thức mà Nhân đã tò mò từ năm cấp 2. Khi đến đây Nhân đã đặt câu hỏi cho các nhà văn về cách làm thế nào để viết và xuất bản một quyển sách.

Trần Huỳnh Thiện Nhân (ngoài cùng bên phải) tò mò về cách xuất bản một quyển sách. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Em là người rất thích sách và mê viết lách. Hiện tại em đã viết những câu chuyện dễ thương trên blog riêng tư của mình. Mục đích khiến em ham viết là để em hiểu lòng mình hơn và trải lòng mình trên những trang văn. Em đặc biệt quan tâm đến cách viết và xuất bản sách vì nếu sau này có cơ hội, em sẽ đem những tâm tư trên blog cá nhân của mình viết thành một hoặc nhiều quyển sách” - Thiện Nhân bật mí về những dự định theo đuổi nghiệp văn chương trong tương lai.

Chia sẻ về cách làm thế nào để xuất bản một tác phẩm, nhà văn, nhà báo Trung Nghĩa cho biết, đầu tiên phải có bản thảo, sau đó nên đọc đi đọc lại nhiều lần, nhờ những người am hiểu, giàu kinh nghiệm văn chương đọc và cho nhận xét. Sau khi cảm thấy ưng ý bản thảo, các HS có thể chủ động gửi đến các nhà xuất bản và chờ hồi âm.

Nhà văn Trung Nghĩa chia sẻ về cách xuất bản một tác phẩm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Nếu đồng ý đầu tư cho bản thảo, nhà xuất bản sẽ liên hệ chúng ta để trao đổi về việc sửa chữa hoặc bổ sung cho bản thảo. Sau đó chúng ta sẽ được ký hợp đồng tác quyền với nhà xuất bản, tác phẩm của chúng ta sẽ bắt đầu được in ấn và sau 15 ngày sẽ được phát hành rộng rãi. Cuối cùng chúng ta phải tổ chức buổi ra mắt để quảng bá sách đến với độc giả” - nhà văn Trung Nghĩa chia sẻ.

Văn Hồng Anh (HS  lớp 11 chuyên văn 2 trường THPT Lê Hồng Phong) cũng thích viết và đang tập viết trên blog cá nhân về những câu chuyện của bản thân, những gì Hồng Anh được trải nghiệm. Những câu chữ đó được Hồng Anh chia sẻ cho bạn bè, người thân đọc.

Văn Hồng Anh tập viết trên blog cá nhân về những câu chuyện của bản thân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG 

“Em không mong trở thành nhà văn nhưng em muốn truyền đạt những cảm nhận của mình về cuộc sống đến mọi người gần gũi với em. Em hy vọng sẽ mang đến nhiều điều tích cực cho các bạn thông qua từng mẫu chuyện em viết trên blog” - Hồng Anh trải lòng.

Đến buổi giao lưu trò chuyện, Hồng Anh muốn biết cách nhìn nhận của mọi người đối với một quyển sách toàn những mẫu chuyện nhỏ. Hồng Anh bật mí rất thích viết và muốn tìm hiểu nhiều hơn về sách, về cách làm thế nào để xuất bản một quyển sách. Trong tương lai, Hồng Anh mong muốn sẽ tập hợp những mẫu chuyện của bản thân để in thành một quyển sách.

Các HS giao lưu về chủ đề văn chương tại buổi trò chuyện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cô Nguyễn Thị Ái Vân (tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT Lê Hồng Phong) là người đã dắt các HS đến buổi giao lưu trò chuyện. Cô Ái Vân chia sẻ rằng rất biết ơn buổi trò chuyện cùng các nhà văn vì đây là cơ hội giúp các HS trải nghiệm được những điều tuyệt vời. Theo cô, để trở thành nhà văn, ngoài những yếu tố như viết hay, quan sát giỏi thì trải nghiệm thực tế là điều vô cùng quan trọng. Cô Vân mong các HS của mình sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm hơn nữa trong tương lai. 

Cô Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ rất biết ơn buổi trò chuyện cùng các nhà văn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm