Đây là lời tâm sự của em Nguyễn Thanh Huyền My, học sinh lớp 10 A7, một trong 202 học sinh tham gia chương trình Một ngày làm giáo viên do Trường THPT Nguyễn Du tổ chức vào sáng 14-3.
Phòng giáo viên của Trường THPT Nguyễn Du sáng nay trở nên đông đúc lạ thường. Lẫn trong những thầy cô lớn tuổi là những người trẻ, ăn mặc chỉnh tề. Bạn nam quần tây, áo sơmi đóng thùng, nữ mặc áo dài duyên dáng đang hồi hộp đóng vai Một ngày làm giáo viên.
Lối giảng bài hóm hỉnh, có duyên của "giáo viên nhí" Lâm Nhựt Phúc khiến tiết học trở nên thú vị.
Ghé lớp 12A3, không khí lớp học sôi nổi với cách giảng bài hóm hỉnh, có duyên của “thầy giáo” Lâm Nhựt Phúc” trong tiết học “Thực hành về hàm ý”.
Không chỉ giao lưu với học sinh, Nhựt Phúc còn liên tiếp đặt ra những câu hỏi giúp học trò nắm bài kỹ hơn. Như các em hãy cho thầy biết câu nói: “Tao không phải cái kho” muốn ám chỉ điều gì? Chưa hết, đang dạy say sưa, Nhựt Phúc bỗng dừng lại và bảo: “Nếu các em có thể đọc truyền cảm giống thầy, Chí Phèo đấy hở! Nhựt Phúc vừa cao giọng, vừa dùng cử chỉ, điệu bộ để chứng minh khiến lớp học cười vang”.
Dù lần đầu tiên đứng lớp nhưng các “giáo viên nhí” đều tìm mọi cách đưa kiến thức đến với học sinh một cách hiệu quả nhất.
"Giáo viên nhí" Lâm Nhựt Phúc biết trao đổi, tương tác với học sinh.
Tiết học “Music” của em Đặng Thiên Phú, học sinh lớp 10A3, là một ví dụ điển hình. Để học sinh thích thú với môn học, em đã bày ra trò chơi Nghe nhạc đoán bài hát. Nhờ vậy, lớp học sôi nổi, học sinh hào hứng tham gia, nhiều em còn hát theo điệu nhạc. “Em đã biết cách thu hút học sinh tập trung vào bài học theo cách riêng của mình. Một tiết học không nhàm chán nhưng lại rất hiệu quả” - một giáo viên dự giờ nhận xét.
Trong khi đó, tại lớp học 12A8, tiết học văn trôi qua nhẹ nhàng với “giáo viên nhí” Trần Nguyễn Ngọc Diệp. Dù lần đầu tiên đứng lớp nhưng “cô” Ngọc Diệp đã tỏ ra mình rất có duyên với nghề giáo. Bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt được “cô” truyền tải đầy cảm xúc với cách giảng bài lôi cuốn khiến các bạn đều cảm thấy thích thú. Trong 45 phút, em đã cố gắng làm tốt vai trò của mình.
"Thầy giáo trẻ" Lâm Nhựt Phúc luôn biết lắng nghe những ý kiến đóng góp từ học trò.
“Dù đã tập dượt nhiều lần trước nhóm và có sự chuẩn bị kỹ cho tiết dạy nhưng khi trực tiếp đứng lớp, em vẫn không thể kiểm soát được thời gian. Cho nên em vẫn bị lố giờ. Mặt khác, 45 phút lên lớp, em mới cảm nhận hết nỗi vất vả của các thầy cô như làm sao để trò hiểu bài, ứng phó với những tình huống phát sinh trong lớp học, chưa kể dù khát nước, chân mỏi rã rời nhưng vẫn phải cố chịu đựng” - Ngọc Diệp chia sẻ thêm.
Ở góc độ là giáo viên hướng dẫn, hoàn thiện bài giảng cho học sinh, cô Nguyễn Thị Huệ, Tổ phó văn của trường, cho biết giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn về mặt nội dung, còn lại là do bản thân các em từ phương pháp cho đến cách trình bày, thể hiện. “Bài giảng của Diệp rành mạch, giọng nói rõ ràng, kiến thức sâu, giáo án tương đối hoàn chỉnh. Điều này cho thấy em rất có duyên với nghề giáo. Chỉ có điều tôi hơi tiếc là em đã không có sự tương tác với học sinh. Có lẽ do em lo chạy hết nội dung chương trình nên đã bỏ quên phần đối thoại với học trò” - cô Huệ nói.
Học trò chăm chú lắng nghe "thầy" giảng bài.
Cô Huệ cũng cho biết: Một ngày làm giáo viên là chương trình ý nghĩa để học sinh hiểu được nỗi vất vả gian truân của nghề giáo. Kiến thức là một chuyện, sự truyền đạt lại là vấn đề khác. Nghề giáo là một nghệ sĩ trên sân khấu, nó đòi hỏi sự thành thục, lão luyện và bản lĩnh. Qua chương trình này, các em sẽ rèn luyện được kỹ năng trước đám đông. Đặc biệt, định hướng được nghề nghiệp trong tương lai của mình. “Năm ngoái, có nhiều em sau khi tham gia chương trình đã quyết định chọn ngành sư phạm. Tôi hy vọng sẽ có nhiều trường trong thành phố cùng thực hiện chương trình trên” - cô Huệ nhớ lại.
"Các giáo viên nhí" tập dượt trước khi đứng lớp.
Là hiệu trưởng nhà trường, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết đây là năm thứ hai trường tổ chức chương trình trên. Hoạt động này dành riêng cho tất cả em học sinh ở ba khối lớp: 10, 11 và 12. Năm ngoái đã có 189 tiết học được “giáo viên nhí” truyền tải đến học sinh. “Tôi rất vui vì năm nay số lượng học sinh đăng ký tham gia nhiều hơn, đã có 202 tiết học được đăng ký trải đều ở tất cả các môn học” - thầy Phú nhấn mạnh.
Trao đổi với thầy giáo lấy kinh nghiệm trước khi vào tiết dạy thử trong Một ngày làm giáo viên.
Cũng theo thầy Phú, chương trình sẽ khiến các em hiểu và thêm yêu nghề giáo, qua đó thổi ngọn lửa đam mê, chắp cánh ước mơ cho học sinh, giúp các em định hướng nghề nghiệp về sau.