Sáng 12–12, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM đã tổ chức thi học kỳ môn toán cho học sinh khối 12. Trong đề toán của trường, có một câu hỏi được lấy nội dung từ chuyện ngụ ngôn “Con quạ thông minh”.
Câu chuyện "Con quạ thông minh" được đưa vào đề thi toán lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du.
Cụ thể, câu 28 của môn toán có ghi như sau:
Một con quạ đang khát nước. Nó bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng thấy một giọt nước nào. Mệt quá, nó đậu xuống cành cây nghỉ. Nó nhìn xung quanh và bỗng thấy một cái ly nước ở dưới gốc cây. Khi tới gần, nó mới phát hiện ra rằng cái ly nước có dạng hình trụ: Chiều cao là 15 cm, đường kính đáy là 6 cm, lượng nước ban đầu trong ly chỉ cao 5 cm, cho nên nó không thể uống được nước. Nó thử đủ cách để thò mỏ được đến mặt nước nhưng mọi cố gắng của nó đều thất bại. Nó nhìn xung quanh, nó thấy những viên sỏi hình cầu có cùng đường kính là 3 cm nằm lay lắt ở gần đấy. Lập tức, nó dùng mỏ gắp 15 viên sỏi thả vào ly. Hỏi sau khi thả 15 viên sỏi, mực nước trong ly cách miệng ly bao nhiêu cm?
A.2,1 cm B.2,5cm C.2,7cm D.2,4 cm
Chia sẻ về việc sử dụng câu chuyện vốn được nhiều người yêu thích vào đề thi toán, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Du, cho biết lúc ở nhà khi kể cho con nghe chuyện này, bản thân thầy thấy con rất thích thú. Hơn nữa, câu truyện rất hay và ý nghĩa.
“Vì thế, tôi chợt nghĩ sao không đưa những câu chuyện như thế này vào kiến thức học để giáo dục học sinh. Cho nên tôi đã quyết định vận dụng vào môn toán học - một môn học vốn rất khô khan.
"Với câu hỏi này, kiến thức không chỉ giới hạn trong toán học mà còn vận dụng kiến thức bộ môn vật lý với kiến thức văn học. Như thế, chỉ một câu hỏi nhưng đã cho thấy được sự liên môn. Hơn nữa, thông qua đề thi này, tôi muốn các em thấy môn toán không hề khô khan, nó vẫn có tính ứng dụng vào các môn học khác. Và qua đó khiến các em đam mê môn học hơn” - thầy Thịnh nói.
Đề cập đến đề thi, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Du, cho biết chủ trương của trường trong hai năm gần đây là đề thi ra dù ở bộ môn nào đều phải lồng ghép kiến thức đời sống. Điều này sẽ giáo dục kỹ năng khiến đề thi sát thực tế và học sinh cảm thấy môn học có sự gắn kết với cuộc sống.