Học sinh hào hứng với ngành học ‘độc nhất’ của Trường ĐH Luật TP.HCM

(PLO)- Trải nghiệm tại Trường ĐH Luật TP.HCM, nhiều học sinh THPT thích thú và đặt nhiều câu hỏi về ngành học đặc biệt của trường cũng như cơ hội việc làm.

Sáng ngày 4-1, hàng trăm học sinh của các trường THPT tại TP.HCM và một số địa phương lân cận đã có chuyến trải nghiệm đặc biệt với chương trình "One day as a Ulawer" tại tại Trường ĐH Luật TP.HCM.

Tại đây, bên cạnh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường, các em học sinh còn được tham quan trường ở các khu vực như phòng truyền thống, khu tự học, thư viện…và còn được trải nghiệm lớp học của sinh viên.

Học sinh thích thú được tham quan tại Trường ĐH Luật TP.HCM

Ngành học có 2 bằng cử nhân có gì đặc biệt?

Chia sẻ về thông tin tuyển sinh năm 2025, Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm 2025, trường dự kiến tuyển sinh 7 ngành đào tạo, gồm Luật, Quản trị - luật, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Luật thương mại quốc tế và hai ngành mới mở là Kinh doanh quốc tế, Tài chính – ngân hàng.

Trường đào tạo theo bốn chương trình, gồm: đại trà, chất lượng cao, liên thông và liên kết quốc tế.

Thạc sĩ Vũ Đình Lê giới thiệu các ngành đào tạo và thông tin tuyển sinh năm 2025 của trường

Trong số các ngành học của trường, Quản trị - Luật là ngành được nhiều học sinh đặt câu hỏi thắc mắc tại buổi giao lưu.

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Quản trị - Luật là ngành đào tạo duy nhất tại Trường ĐH Luật TP.HCM cũng như trong hệ thống đào tạo ĐH ở Việt Nam vì sinh viên vào học một ngành nhưng ra trường có hai bằng cử nhân, đó là bằng cử nhân ngành Luật và bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh.

Tuy nhiên, một số học sinh đặt câu hỏi: Để theo học được ngành Quản trị - Luật đòi hỏi điều kiện gì khác so với các ngành học khác và lợi thế của ngành học này là gì?

Trả lời câu hỏi này, Thạc sĩ Vũ Đình Lê cho rằng đây là ngành học duy nhất chỉ có tại Trường ĐH Luật TP.HCM vì để đào tạo ngành này đỏi hỏi nhiều điều kiện khắt khe nhưng trường đã xây dựng, sắp xếp chương trình học một cách khoa học, thuận lợi để đảm bảo sinh viên học chỉ mất 5 năm thay vì 8 năm nếu học riêng hai ngành độc lập.

"Vì học một ngành nhưng tốt nghiệp có hai bằng cử nhân nên đòi hỏi với người học cũng cao hơn các ngành đơn khác, như sinh viên phải nỗ lực và chịu khó hơn, thời gian học kéo dài hơn… Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất sinh viên đạt được là có hai bằng cùng lúc khi ra trường, khi đó, dù các em muốn làm việc ở lĩnh vực kinh doanh hay luật đều có thể đáp ứng được" - Thạc sĩ Vũ Đình Lê chia sẻ.

Thông tin thêm đến học sinh, theo Thạc sĩ Lê, ngành luật là ngành thế mạnh nhất của Trường ĐH Luật TP.HCM vì đã đạt chuẩn kiểm định, được khẳng định trong thực tế. Cụ thể như trường có đội ngũ giảng dạy về luật nhiều nhất và có chuyên môn cao; khối lượng giáo trình, tài liệu lớn và riêng biệt; có thư viện phục vụ ngành luật; có tất cả các chuyên ngành đào tạo luật từ đại học đến tiến sĩ...

Do đó, khi tốt nghiệp các ngành luật của trường, sinh viên có lợi thế và được đánh giá cao hơn.

Các học sinh hào hứng đặt câu hỏi tại chương trình

Để có việc làm tốt cần 40% kiến thức và 60% kỹ năng

Tại chương trình, Thạc sĩ Nguyễn Thành An, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp của trường cũng đã chia sẻ đến học sinh các nội dung hữu ích về môi trường học tập và rèn luyện, chính sách học phí – học bổng, cơ hội nghề nghiệp…tại trường.

Trong đó, nội dung về cơ hội nghề nghiệp của sinh viên khi ra trường được học sinh rất quan tâm.

Có em đặt câu hỏi vừa thực tế vừa thú vị rằng: Theo thống kê của trường, hơn 90% sinh viên của Trường ĐH Luật TP.HCM ra trường có việc làm, vậy với những em chẳng may lọt vào tốp 10% còn lại thì trường có chính sách hỗ trợ gì?

Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thành An, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp cho rằng để tìm được việc làm và làm việc tốt sau khi ra trường đòi hỏi hai yếu tố, là 40% về kiến thức và 60% còn lại là kỹ năng. Do đó, bản thân mỗi sinh viên ngay khi bước vào môi trường đại học cần phải có ý thức nỗ lực học tập tốt, trau dồi ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng.

Theo Thạc sĩ Thành An, kỹ năng ở đây là kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, ngoại ngữ…và gồm cả kỹ năng thích ứng công việc.

Thạc sĩ Nguyễn Thành An. Ảnh: TTNT

Còn về phía nhà trường, Thạc sĩ An cho rằng bên cạnh chú trọng về nâng cao chất lượng đào tạo, trang bị tốt kiến thức cho sinh viên, Trường ĐH Luật TP.HCM luôn đặc biệt quan tâm việc tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng cho sinh viên thông qua các hoạt động đoàn hội, các ngày hội tuyển dụng, kết nối với các đơn vị và cựu sinh viên để tìm kiếm việc làm hoặc chuyển đổi việc làm cho sinh viên ra trường.

"Tuy nhiên, nếu ra trường, sinh viên nào đó không tìm được việc làm, trước hết phải tự đánh giá lại bản thân để bổ sung lại kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đồng thời, sinh viên có thể liên hệ lại trường để được hỗ trợ thêm" - Thạc sĩ An nói.

Nói thêm về nội dung này, Thạc sĩ Vũ Đình Lê cho rằng để có được việc làm tốt sau khi ra trường, bên cạnh nỗ lực của cơ sở đào tạo, sinh viên phải tự "bơi" là chính.

Do đó, Thạc sĩ Đình Lê khuyên sinh viên, nhất là với những em học năm thứ 3, thứ 4 nên quản lý tốt thời gian của bản thân để vừa đảm bảo việc học tập, làm thêm, hoạt động đội nhóm…. để làm sao khi ra trường có kết quả học tập tốt, có đủ năng lực làm việc để được lựa chọn công việc tốt chứ không phải đi xin việc.

3 phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Luật TP.HCM

Năm 2025, trường dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu và xét tuyển theo ba phương thức như năm 2024.

Phương thức 1: tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT.

Phương thức 2: xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường

Phương thức 3: xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Trong đó, phương thức 1 và phương thức 2 chiếm 45% tổng chỉ tiêu; Phương thức 3 là 55% tổng chỉ tiêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới