Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ năm 2025

(PLO)- Năm 2025, nhiều chính sách giáo dục quan trọng bắt đầu có hiệu lực thi hành như quy định xe đưa đón học sinh, diện tích trường lớp, tham gia giao thông an toàn...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dưới đây những chính sách giáo dục sẽ có hiệu lực từ năm 2025:

Chấp hành luật giao thông là tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh

chính sách giáo dục
Cảnh sát giao thông tuyên truyền phổ biến luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ với học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức. Ảnh: NN

Nghị định số 151/2024 có quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2025.

Cụ thể, tại khoản c, điểm 4, Điều 6 của nghị định nêu rõ việc đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

Theo đó, trách nhiệm của trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với việc hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh. Các trường tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể, học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trường học phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.

Các đơn vị đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

Trường học được phép xây cao 5 tầng

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 23/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 31-1.

chính sách giáo dục
Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đáng chú ý, ở thông tư mới, Bộ GD&ĐT nới lỏng quy định, cho phép trường học xây cao 5 tầng. Đây là một trong những chính sách giáo dục đáng lưu ý.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT nêu: Các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng (thông tư cũ quy định không quá 3 tầng).

Ở cấp THCS và THPT, Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh quy định về độ cao của các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học từ “cao không quá 4 tầng” lên “cao không quá 5 tầng”.

Việc trường học xây cao 5 tầng sẽ tăng thêm số lớp đồng nghĩa tăng thêm cơ hội học tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng giảm yêu cầu về diện tích bình quân trên một học sinh cho trường học ở đô thị loại III trở lên, từ 10 xuống 8m2 với trẻ mầm non, 8 xuống 6m2 với học sinh tiểu học và THCS. Riêng bậc THPT, quy định hiện hành chưa có tiêu chí này nên được bổ sung - cũng là 6 m2 với một học sinh.

Sửa quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông

Thông tư 17/2024 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông, hiệu lực 5-1.

chinh-sach-giao-duc-6.JPG
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 12 trong lễ khai giảng năm học. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung thêm quy định: “Người tham gia xây dựng dự thảo chương trình, dự thảo chương trình chỉnh sửa nào thì không được tham gia thẩm định chương trình đó”.

Quy định về thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 19/2024 quy định danh mục và thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực GD&ĐT tại chính quyền địa phương. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14-1-2025. Thông tư này không áp dụng đối với giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo quy định tại Điều 2 của Thông tư này là từ đủ 3 năm đến 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14-1-2025. Theo đó, những sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy trình xử lý hồ sơ đi học nước ngoài.

Cụ thể, đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo các chương trình học bổng ngân sách nhà nước, Cục Hợp tác quốc tế gửi văn bản thông báo kết quả tiếp nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài, thông tin về quy định, chế độ học bổng đến ứng viên, cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên và ra quyết định cử đi học khi có văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử ứng viên đi học nước ngoài.

Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng do phía nước ngoài đài thọ, Cục Hợp tác quốc tế gửi văn bản thông báo kết quả trúng tuyển đến ứng viên và cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên để giải quyết thủ tục đi học nước ngoài.

Đối với ứng viên chưa có cơ quan công tác, Cục Hợp tác quốc tế ra quyết định cử đi học nước ngoài.

Quy định mới về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia

Ngày 10-12, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 22/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo các Thông tư số 17/2018, Thông tư số 18/2018 và Thông tư số 19/2018 về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 25-1.

Thông tư đã sửa đổi, bổ sung về bộ tiêu chuẩn đánh giá để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Cạnh đó, thông tư cũng quy định về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo phân cấp tại Quyết định số 1015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; theo đó, phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ Chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho Giám đốc Sở GD&ĐT và một số nội dung quy định khác...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm