Đây là những biểu hiện tâm lý đáng lo ngại của học sinh (HS) xuất hiện trong nghiên cứu của HS Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh, TP.HCM về đề tài: “Thực trạng và giải pháp cho hội chứng Nomophobia - nỗi sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh”. Đề tài trên đã lọt vào vòng chung kết cấp TP cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho HS.
Tìm mọi cách để có thể sử dụng điện thoại
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài, em Trần Thị Hà My, đại diện nhóm tác giả, cho biết điều này xuất phát từ thực tế tại ngôi trường em đang theo học. “Dù trường đã cấm sử dụng nhưng các bạn vẫn lén dùng trong giờ học. Đến khi bị giáo viên phát hiện và tịch thu, bạn đó lập tức đi lên van xin, năn nỉ cô giáo trả lại điện thoại bằng mọi cách. Nếu không có điện thoại, bạn thấy bứt rứt, bồn chồn, thậm chí sợ hãi. Và sự sợ hãi khi thiếu điện thoại theo tiếng Anh có tên Nomophobia” - Hà My bày tỏ.
Hà My cho biết để thực hiện đề tài, các em tiến hành khảo sát HS tại Trường THPT Trần Văn Giàu, Trường THPT Gia Định, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại TP.HCM và Trường THPT chuyên Hùng Vương tại Bình Dương. Mỗi trường phát 300 phiếu, sau hơn bốn tháng tiến hành khảo sát đã cho ra kết quả rất đáng để suy ngẫm.
Trước các câu hỏi bạn có bị nghiện điện thoại không, có đến 90% trả lời có. Thế nhưng khi đề cập đến hội chứng Nomophobia thì tại ba trường ở TP.HCM có đến 81% HS chưa bao giờ nghe về hội chứng này, còn tại Trường THPT Hùng Vương, Bình Dương, con số này lên tới 85%.
Em Tấn Phát chia sẻ thêm: Qua tìm hiểu, căn nguyên của nỗi sợ hãi khi không có điện thoại là do các bạn thấy thiếu thông tin, bị thụt lùi với thế giới; cuộc sống đơn điệu, ngột ngạt, trống rỗng; mất kết nối với các mối quan hệ xung quanh. Từ đó các em đã đưa ra một số chuỗi giải pháp để giúp giảm thiểu mức độ của hội chứng trên.
Nhóm tác giả của Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh, TP.HCM đang thuyết trình đề tài cho khách tham quan. Ảnh: NQ
“Thứ nhất, chúng em tạo ra trang Facebook có tên là Share Everyday. Trên trang này sẽ tổ chức những hoạt động ngoại khóa với các chủ đề ý nghĩa như hoạt động bức vẽ vàng về chủ đề Nomophobia. Hiện trang Facebook đã thu hút hơn 8.000 lượt theo dõi, chia sẻ. Thứ hai, nhóm phối hợp với nhà trường tổ chức tiết học ngoại khóa và các hoạt động ngoài nhà trường để các bạn cùng tham gia. Tất cả hoạt động đều được ghi hình và đăng lên kênh YouTube là Radio chia sẻ. Thứ ba, chúng em đã biên soạn cuốn nhật ký Nomophobia - góc nhìn cuộc sống. Tại cuốn nhật ký này, thông qua những câu hỏi trắc nghiệm, bạn có thể biết mình có phải đang phụ thuộc vào điện thoại quá không. Và cuối cùng, chúng em đã phát triển ứng dụng giúp cha mẹ kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con” - Phát nói.
Học sinh chịu áp lực lớn từ kỳ vọng của cha mẹ
Tại cuộc thi, một vấn đề cũng được nhiều HS nghiên cứu là những áp lực tinh thần mà các em phải gánh chịu khi đến trường.
963/1862 HS của THPT Trưng Vương, quận 1 đang âm thầm chịu nhiều áp lực từ chính gia đình. Số liệu trên là kết quả khảo sát các nguyên nhân gây nên áp lực cho HS THPT trong đề tài “Khi áp lực trở thành bạo lực tinh thần: Khảo sát những áp lực của HS THPT hiện nay, nguyên nhân - thực trạng - giải pháp” của hai HS Trần Thị Khánh Linh và Trần Nhật Minh trường này.
Điều đáng nói, trong 963 HS đang chịu nhiều áp lực từ gia đình thì có đến 38,45% em phải chịu áp lực từ việc cha mẹ đặt ra chỉ tiêu quá cao cho bản thân các em; tỉ lệ HS bị áp lực khi bị phụ huynh đem ra so sánh là 37,65%; tỉ lệ HS cảm thấy áp lực khi sắp bước vào kỳ thi quan trọng là 17% và 6,9% HS chịu áp lực bởi các nguyên nhân khác như hành vi đánh đập, la mắng.
Đặc biệt, có đến 1.365 HS trả lời trong phiếu khảo sát là không thường xuyên chia sẻ các áp lực của bản thân và 989 HS thường có hành vi cáu gắt, nóng giận khi phải đối diện với các áp lực.
“Tuy chịu nhiều áp lực từ gia đình nhưng chỉ có 45,6% HS thỉnh thoảng chia sẻ với gia đình về các vấn đề của bản thân, trong khi đó 24,5% HS hiếm khi bày tỏ áp lực mình đang phải gánh chịu” - em Trần Thị Khánh Linh bày tỏ.
Từ thực trạng trên, hai cô trò nhỏ Trường THPT Trưng Vương đã nghiên cứu sáng tạo nên Thẻ chuyển hóa cảm xúc ghi nhận những lời khuyên, câu chuyện giúp người xem cảm thấy thoải mái để tránh các áp lực về tinh thần. Ngoài ra, hai em còn thực hiện nhóm chat box trên Facebook để các bạn HS có thể nhắn tin về trạng thái của bản thân. Các thông tin được cung cấp sẽ được gửi về phòng y tế học đường của trường. Tại đây, HS có thông tin gửi qua chat box sẽ nhận được các lời tư vấn của chuyên gia tâm lý để giúp các em kiểm soát và giải tỏa các áp lực đang phải chịu đựng…
Các sản phẩm dần ứng dụng vào cuộc sống Đề tài của các em nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu, gắn với thực tế. Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TP.HCM. Không chỉ nghiên cứu, chính các em cũng bắt đầu liên hệ các nhà sản xuất để sản phẩm của mình được ứng dụng vào đời sống. Cũng từ sân chơi này, nhiều em đã có định hướng cho tương lai của mình. Ông PHẠM NGỌC TIẾN, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM |