Đó là một tình huống có thật mà tôi vừa trực tiếp trao đổi với một chị phụ huynh có con trai học lớp 9 ở một trường THCS thuộc một quận trung tâm của TP.HCM.
Mục đích của chị gặp tôi là để tham khảo ý kiến về việc chị dự định kiện giáo viên dạy toán ở trường đó vì có những biểu hiện "trù dập" con trai của chị.
Theo lời ấm ức của chị, chị là một người rất quan tâm đến việc học của cậu con trai. Ngoài thời gian học chính khóa ở trường, chị không tiếc tiền cho con mình được học thêm ở rất nhiều nơi mà theo chị là rất có uy tín.
Chỉ nói riêng về môn toán, cậu con trai được chị cho đi học thêm ở một trung tâm ngoài giờ khá uy tín ở TP này. Ngoài ra, ở nhà luôn có một gia sư để giúp cho cậu con trai giải quyết các vấn đề khó khăn.
Chị cho biết thông qua việc kiểm tra vở học của cậu con trai, nhận xét của các thầy dạy ở trung tâm và gia sư thì cậu con trai chị được đánh giá là có sức học khá, điểm kiểm tra ở trung tâm luôn đạt 7, 8. Cậu luôn hoàn thành bài tập của trung tâm cho về một cách nghiêm túc. Vì thế, chị cho rằng con trai chị không thể học yếu môn toán được.
Thế nhưng ở trường thì ngược lại hoàn toàn, từ đầu năm đến giờ điểm kiểm tra của con trai chị chưa bao giờ trên 4. Giáo viên dạy toán than phiền về chất lượng học tập của cháu. Và điều quan trọng hơn cả là cậu con trai chị nói rằng giáo viên toán ở lớp cứ cho cậu làm những bài tập chưa gặp bao giờ, nên cậu ta không thể làm được.
Chị còn nói với tôi một cách chắc chắn rằng: "Chắc là giáo viên toán đó “chiếu tướng” con tôi thầy ạ, vì cháu nó không học thêm thầy đó!".
Nghe đến đây, tôi liền đề nghị với chị cho cậu con trai làm một bài kiểm tra 90 phút để xem năng lực học toán của cậu thế nào.
Tôi đưa cho cậu bé một bài kiểm tra gồm 10 câu hỏi nhỏ (1 điểm/câu) và đề nghị cậu bé ấy qua bàn kế bên để làm một mình, không mang theo sách vở gì ngoại trừ giấy nháp.
Thời gian trôi qua, lúc đầu cậu bé ấy chăm chú làm bài, sau khoảng 30 phút thì cậu bé có vẻ lúng túng, căng thẳng lật qua lật lại tờ giấy đề kiểm tra. Sau 45 phút thì cậu ta buông bút cầm tờ giấy kiểm tra qua đưa lại tôi kèm theo câu nói: "đề khó quá, con không làm được, đề của bác ra giống với mấy cái đề thầy toán con cho trên lớp quá".
Sau đó, người mẹ chăm chú theo dõi tôi chấm bài làm thử của cậu con trai. Cậu ta làm đúng được một câu duy nhất trên tổng số 10 câu, những câu còn lại, hoặc là làm sai, hoặc là bỏ trống.
Người mẹ nhìn tôi như muốn hỏi có phải đề mình ra quá khó không? Tôi liền lật quyển sách giáo khoa lớp 9 tập một ra, chỉ cho chị ấy thấy chín câu mà cậu bé làm sai hoặc bỏ không làm chính là những bài được "sao y bản chính" từ sách, những bài này nằm ở vị trí bài số 2 hoặc 3 trong vị trí các bài tập (tức là những bài chỉ đòi hỏi mức độ nhận biết hoặc hiểu bài là làm được), không hề có bài nào có dấu * hoặc nâng cao. Đáng nói, riêng bài cậu bé ấy làm đúng chính là bài lấy ra từ tập tài liệu của trung tâm ngoài giờ kia và lại là một bài nâng cao. Tôi ngạc nhiên là cậu bé giải đúng y chang như cách giải trong tập tài liệu đó đến từng bước xuống hàng.
Chị phụ huynh gần như sững người, im lặng trước những gì đang xảy ra trước mắt, không tin con mình lại không thể làm được những bài cơ bản. Ngay cả tôi cũng không tin đây là tình huống có thật ngay trước mắt bởi tôi cũng đã bao năm làm giáo viên. Nhìn chị, tôi không biết nói gì ngoài chia sẻ thẳng thắn với chị rằng: “Người chị cần kiện ở đây không phải là giáo viên dạy toán đó mà chính là chị vì chị đang biến đứa con của mình thành cái máy photocopy hoàn hảo. Vì chị mà con chị đã được rèn luyện tốt khả năng ghi nhớ và học thuộc bài giải của một bài toán mà không biết khả năng thực sự của con như thế nào. Chị đã làm mất đi khả năng tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề đơn giản mà bất kỳ học sinh nào cũng có thể làm được nếu không bị “đào tạo” trước”.
Chia tay chị phụ huynh và cậu con trai, thật sự tôi buồn và suy nghĩ rất nhiều. Bởi không chỉ mình chị mà đang có rất nhiều phụ huynh cho con học như thế, rồi trách móc giáo viên như thế, cũng không chỉ cậu bé này mà còn rất rất nhiều học trò khác đang ngày ngày “luyện thêm” từ lớp về nhà, rồi cặm cụi ở các trung tâm, lò luyện từ sáng đến tối.
Rõ ràng, chúng ta không thể trách các em, trách oan những người thầy cho điểm thấp chúng mà có lẽ người đáng trách chính là người lớn chúng ta đang cổ vũ cho các em thói quen sử dụng "mỳ ăn liền". Chính đòi hỏi, suy nghĩ của người lớn đã biến biết bao nhiêu đứa trẻ được đào tạo để trở thành những chiếc máy photocopy hoàn hảo chứ không phải được đào tạo để trở thành những "cây sậy biết suy nghĩ" như nhà bác học Pascal đã nói.