Có mặt ở Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số V (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội) từ sáng sớm, chúng tôi ghi nhận cảnh các học viên hồ hởi cùng nhau đến sân tập thể thao. Tất cả học viên đều tự lựa chọn cho mình một môn thể thao ưa thích như tập thể hình, đá bóng, bóng chuyền… nhưng có một điểm chung là trên khuôn mặt ai cũng rất vui vẻ và thoải mái.
Anh Đậu Văn Long, học viên cai nghiện tự nguyện tại trung tâm, cho biết anh đã cai nghiện gần sáu tháng. Trước đây anh đi cai nghiện một số nơi nhưng không thoải mái, nhiều lúc còn rất bức xúc vì đông đúc, mâu thuẫn với bạn cùng phòng… Nhưng khi được đến trung tâm cai nghiện này, anh cảm thấy khác hẳn: “Các thầy ở đây luôn giải quyết ngay những khó khăn mà học viên gặp phải trong cai nghiện, đặc biệt là quan hệ bạn bè cùng phòng… Vì vậy, ở đây tôi rất quyết tâm bỏ ma túy để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô và gia đình” - anh Long khẳng định.
Học viên tập thể hình trong trung tâm cai nghiện. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số V, cho rằng để các học viên không bức xúc, câu kết với nhau gây rối, trước khi vào đây trung tâm đã tư vấn rất kỹ cho từng học viên và lắng nghe nguyện vọng của họ.
Qua đó, trung tâm giải thích các quyền và những gì trung tâm đang làm là phục vụ họ cai nghiện chứ không phải giam hãm, bắt ép. Mục đích là để học viên xác định vào đây là để cai nghiện. Ngoài ra, trung tâm cũng đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, công khai, minh bạch tất cả chế độ của học viên, để học viên đảm bảo sinh hoạt tốt nhất.
“Khi học viên đã gia nhập trung tâm, chúng tôi tiếp tục giáo dục, tư vấn để giúp người nghiện cắt cơn và giải quyết những mâu thuẫn của các học viên. Vì ở trung tâm, trong quá trình sinh hoạt chung xảy ra rất nhiều khúc mắc giữa người đến trước, người vào sau… Nên chúng tôi phải giải quyết được tất cả mâu thuẫn từ vấn đề nhỏ nhất để giải tỏa cho học viên, tránh những bức xúc đó mà lợi dụng để gây rối. Tiếp đến chúng tôi phải tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ để các em cảm thấy trung tâm thân thiện và an toàn…” - ông Lập nói.
Học viên giao lưu văn nghệ và chuẩn bị cho ngày lễ 20-11. Ảnh: VIẾT LONG
Cũng theo ông Lập, từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 2.011 học viên vào cai nghiện ma túy, riêng năm 2016 có 200 học viên, tất cả đều đảm bảo quy trình cai nghiện, các học viên thân thiện với thầy cô: “Chúng tôi tin nếu làm tốt các công tác quản lý bên ngoài, giải quyết các mâu thuẫn bên trong, đáp ứng được các nguyện vọng chính đáng của anh em. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giải trí cho học viên theo phương châm thầy gương mẫu, trò tự giác thì sẽ xây dựng được môi trường tốt…” - ông Lập nhấn mạnh.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cũng khẳng định việc tham vấn, tư vấn, làm việc với từng trường hợp, hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người nghiện trước khi đưa vào trung tâm là rất quan trọng.
Học viên vui vẻ khi được tham gia các chương trình hài của trung tâm. Ảnh: VIẾT LONG
Cán bộ trung tâm phải thân thiện, biết chia sẻ, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn: “Việc cán bộ chỉ lo phục vụ, bộ phận bảo vệ lo làm sao cho học viên không ra được ngoài, bộ phận y tế thì đến giờ lo phát thuốc, người nấu ăn thì lo ba bữa ăn là xong thì rất nguy hiểm. Người nghiện không có người trao đổi, tư vấn một cách thường xuyên tích cực. Điều đó cũng là nguyên nhân dẫn tới người bệnh không hợp tác…” - ông Đàm nói.
Học viên cùng nhau tập thể hình để quên đi những cơn nghiện ma túy. Ảnh: VIẾT LONG
Sau những giờ thể thao, các học viên được các thầy ở trung tâm hướng dẫn cách tránh xa ma túy và kiềm chế cơn nghiện của mình. Ảnh: VIẾT LONG
Chiều đến, các học viên lại chăm sóc vườn rau của trung tâm để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ảnh: VIẾT LONG
Mảnh đất trung tâm số V rộng khoảng 3 ha nhưng học viên được tham gia nhiều môn thể thao. Ảnh: VIẾT LONG
Số còn lại xem chương trình văn nghệ. Ảnh: VIẾT LONG
Phòng hạnh phúc, nơi những học viên được gặp vợ và những người thân trong gia đình. Ảnh: VIẾT LONG
Save