Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa trao quyết định thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia (HĐYKQG) và quyết định bổ nhiệm lãnh đạo HĐYKQG do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm chủ tịch. Sự kiện này được xem là bước tiến mạnh mẽ của ngành y, là điều kiện giúp y tế Việt Nam nhanh chóng hội nhập, nâng cao vị thế trên thế giới.
Dấu mốc quan trọng của ngành y tế
Theo GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu trung ương, lần đầu tiên Việt Nam thành lập HĐYKQG với mục đích cấp chứng chỉ cho người học liên quan đến các ngành sức khỏe là một thành công lớn. Là người hoạt động nhiều năm trong ngành y, ông rất ủng hộ việc này.
HĐYKQG là thông lệ bình thường của nhiều nước trên thế giới. Thực tế vào những năm 2005-2006 từng có ý kiến cho rằng bằng tốt nghiệp y khoa của Việt Nam sang Campuchia cũng chỉ là giấy, bác sĩ (BS) không được hành nghề. Điều này không có nghĩa nước bạn không công nhận bằng đại học y của Việt Nam, mà do thời điểm đó chúng ta chưa có chứng chỉ hành nghề.
Sau thời gian nghiên cứu nền giáo dục y khoa Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, từ năm 2016, BS, điều dưỡng ở nước ta ra trường đã đòi hỏi có chứng chỉ hành nghề tuy nhiên chỉ căn cứ xét trên hồ sơ. Đến nay, HĐYKQG được thành lập thì học y khoa ra trường bắt buộc phải thi, thi đạt mới có chứng chỉ và mới được hành nghề. “Đây là việc tất yếu Việt Nam phải làm để hội nhập quốc tế” - GS Trí cho biết.
Mong mỏi này từng được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại thời điểm nhận quyết định thành lập HĐYKQG. Cụ thể, một trong những nội dung ngành y tế mong muốn triển khai là đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo chính là đào tạo y khoa. Trong đó, lĩnh vực cần đổi mới mạnh mẽ nhất, có tác động tới toàn bộ hệ thống y tế là thi chứng chỉ hành nghề.
Thủ tướng đã quy định rõ trong quyết định là HĐYKQG phải xây dựng chuẩn năng lực đầu ra của BS, khi ra hành nghề cần có năng lực gì để đảm bảo việc hành nghề được thực hiện thông suốt. Bên cạnh đó, HĐYKQG có nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực, làm cơ sở để Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề có thời gian thay cho thi cấp chứng chỉ một lần như hiện nay.
Từ nay những người học y khoa ra trường phải trải qua hội đồng thi, được cấp chứng chỉ hành nghề mới được phép làm bác sĩ. Ảnh: HOÀNG GIANG
HĐYK của Việt Nam không độc lập nên cần một cơ chế đặc biệt để hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt sứ mệnh an toàn cho người bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Ông LÊ QUANG CƯỜNG, Phó Chủ tịch HĐYKQG
Bộ Y tế làm chủ tịch chỉ nên tạm thời
HĐYKQG được thành lập dựa trên mô hình từ các nước trên thế giới nhưng lại rất khác biệt. Điểm chung của HĐYK các nước đó là được thành lập và hoạt động độc lập với cơ quan tổ chức, với cơ sở đào tạo, còn ở Việt Nam HĐYK lẫn lộn giữa công, tư, có sự tham gia của Bộ Y tế và các trường đại học. Theo các chuyên gia, khác biệt này là để phù hợp với đặc thù đất nước nhưng nó cũng là thách thức khá lớn.
“HĐYKQG tốt nhất nên là hội đồng độc lập. Lo ngại của tôi cũng như của nhiều người là khi lãnh đạo Bộ Y tế, những người ở các cơ sở giáo dục không độc lập với hội đồng thi ngồi vào vị trí hội đồng sẽ có thể phát sinh tiêu cực khi tổ chức thi. Lo lắng này là chính đáng vì nhiều kỳ thi ở nước ta đã bị lũng đoạn” - GS Trí nêu quan điểm.
Tuy nhiên, GS Trí cũng nhận định do ngành y Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nên việc Bộ Y tế chịu trách nhiệm cao ở HĐYKQG thời điểm này là hợp lý. “Nhưng đây chỉ nên là giải pháp tạm thời, tương lai cần mời một tổ chức độc lập, có đủ năng lực, phẩm chất đảm nhận vai trò chủ tịch hội đồng” - GS Trí đề nghị.
Vấn đề nữa được đặt ra là mỗi năm cả nước có rất đông sinh viên học y khoa ra trường, nếu tổ chức thi sẽ cồng kềnh. GS Trí giải thích, theo kinh nghiệm thế giới, hội đồng sẽ có ngân hàng đề thi, hằng năm tổ chức vài lần cố định cho mỗi chuyên khoa. Thêm vào đó, nếu ứng dụng thi trực tuyến, ứng dụng công nghệ 4.0 vào kỳ thi thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản do thi trực tuyến không giới hạn số lượng người thi.
HĐYKQG có trách nhiệm rất nặng nề, phải học tập kinh nghiệm của các nước và phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu về đề thi, ngân hàng câu hỏi và kể cả đánh giá các tình huống khi thực hành để đảm bảo chuẩn năng lực đầu ra với BS.
Việc tổ chức thi sẽ do hệ thống y tế chịu trách nhiệm chứ không phải HĐYKQG tổ chức. Người thi có thể thi ở nhiều nơi, vào các thời gian khác nhau nhưng khi thực hành thì phải ở cơ sở bắt buộc. Ngành y tế sẽ đầu tư xây dựng hai trung tâm kiểm chuẩn, sau khi thi đậu, được cấp chứng chỉ hành nghề tại một trong hai trung tâm này, BS sẽ được hành nghề ở các nước khác chứ không chỉ ở Việt Nam. Người đã là BS thì không phải thi.