Trước hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 (HD8) và các tàu hộ tống xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) đã gửi thư ngỏ, bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề trên với Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL).
Trong thư ngỏ được gửi đi từ Hà Nội vào ngày 24-8, Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn đã trao đổi và nhấn mạnh ba vấn đề chính sau đây với GS Hoàng Tiến (Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Trung Quốc):
Thư ngỏ của Hội Luật Quốc tế Việt Nam gửi Hội Luật Quốc tế Trung Quốc.
Thứ nhất, khu vực mà tàu khảo sát địa chấn HD8 đang hoạt động nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đây là khu vực không có tranh chấp hay chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà nó thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, bất kể Việt Nam có hay không việc thăm dò, khai thác tài nguyên ở các vùng nêu trên thì cũng không ai có quyền tiến hành các hoạt động tương tự.
Thứ hai, mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện giữa nước này và Philippines nhưng theo luật pháp quốc tế, phán quyết của Tòa Trọng tài vào ngày 12-7-2016 vẫn có giá trị thi hành, mang tính chung thẩm và ràng buộc với hai Bên. Theo đó, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để thực hiện yêu sách “đường chín đoạn”. Việc các chuyên gia Trung Quốc vận dụng các lý lẽ thiếu khoa học để chứng minh cho tính đúng đắn của “đường lưỡi bò” (cách gọi khác của đường chín đoạn - PV) là đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Thư ngỏ được dịch sang tiếng Anh và gửi đi hôm 24-8.
Thứ ba, về vấn đề các học giả Trung Quốc áp dụng quy định của UNCLOS trong đó có nêu “Các vấn đề không quy định trong công ước sẽ tiếp tục được xử lý bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung” để biện minh, biến các vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp, chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam cho rằng các quy định liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cũng như quốc gia quần đảo,… đã được UNCLOS quy định rõ ràng, hoàn toàn không phải là “các vấn đề không được quy định”. Việt Nam và Trung Quốc là các quốc gia thành viên của UNCLOS nên cần tôn trọng và thực thi một cách hoàn chỉnh, thể hiện tinh thần thượng tôn trật tự pháp lý quốc tế.
VSIL bày tỏ quan ngại với những hành động ngang ngược Trung Quốc thời gian gần đây.
TS Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch VSIL, thay mặt cho các hội viên mong muốn CSIL tham vấn để chính phủ Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Cuối thư ngỏ, VSIL cho biết sẽ sử dụng tất cả những biện pháp được luật pháp quốc tế quy định, đặc biệt là UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Tổ quốc mình. Cạnh đó, VSIL mong muốn trao đổi cùng CSIL dưới góc độ khoa học luật quốc tế về các vấn đề biển đảo, góp phần vào việc ổn định tình hình biển Đông, phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc.