Ông Phạm Phú Oanh, người đảm nhiệm vai trò chủ lễ của nghi thức lễ hội Minh Thề từ năm 2005 đến nay giải thích lời thề trên có nghĩa nếu lấy của công làm lợi cho cá nhân thì sẽ bị thánh thần vật chết. Lời thề trên là truyền thống của người dân địa phương có từ thế kỷ 16, và mới được phục dựng thành lễ hội Minh Thề từ năm 2003 đến nay.
Theo tích truyền, vào thế kỷ 16, vợ của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung là bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã vận động hoàng thân, quốc thích góp tiền tu sửa chùa cổ làng Hòa Liễu, mua đất cúng Tam bảo được hơn 47 mẫu ruộng. Những người được cấp ruộng phải chia lợi nhuận để lo hương đăng trong chùa, sửa chữa đường sá, làm những việc công. Để giữ cho của công không bị tư lợi, họ đưa ra lời thề không đụng vào của công, để dân làng cùng giám sát. Lâu dần lời thề ấy trở thành một tín ngưỡng của dân làng.
“Năm 1993, khu đền chùa làng Hoà Liễu được công nhận di tích Quốc gia, năm 1997 được trùng tu lại. Sau đó các cụ cao niên trong làng tìm hiểu lại truyền thống và phục dựng lại lễ hội Minh Thề từ năm 2003 đến nay với mục đích nhắc nhở, giáo dục dân làng làm điều thiện, vì việc chung, không vì cái lợi nhỏ của cá nhân mà ảnh hưởng đến cái chung của cả cộng đồng”, ông Oanh nói.
Theo ông Oanh, sau 13 năm phục dựng, lễ hội Minh Thề ngày càng thu hút người dân ở khắp nơi về trảy hội. Đặc biệt năm nào lãnh đạo huyện Kiến Thuỵ và một số xã lân cận cũng về tham dự lễ khai hội Minh Thề, dâng hương trong đền, chùa.
Theo quan sát của PV, nghi thức phát lời thệ “không đụng vào của công” được tổ chức rất trang trọng: Những người tham gia lễ phải chay tịnh, tắm rửa trước tế lễ, chuẩn bị hịch thề, tế phẩm. Tế phẩm gồm có rượu trắng, gà trống chân vàng, mào đỏ. Hịch thề là lời thề viết theo lối văn cổ. Trong đó có đoạn viết: “Ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ. Ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt…”.
Sau khi đọc lời thề, những người tham gia buổi tế cắt tiết gà tế phẩm, hoà cùng bình rượu trắng dâng thần linh và chia cho chức sắc, hương thân, phụ lão trong làng để cùng nhau chứng giám, quyết tâm thực hiện lời thề.