Ngày 16-8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Khoa học “Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX”.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Thành Diệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định: 160 năm qua từ ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, khí tiết hào hùng của ông và hào khí của cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo – ngọn cờ đầu của phong trào chống Pháp ở Nam kỳ và trong cả nước, luôn mãi mãi là niềm tự hào của người dân Gò Công, tỉnh Tiền Giang nói riêng và của cả nước nói chung.
Các tham luận tại hội thảo đi sâu, làm rõ nhiều nội dung ở các nhóm chủ đề như: Bối cảnh xã hội Việt Nam và Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ XIX tác động đến cuộc Khởi nghĩa Trương Định; Những tư liệu mới, phát hiện mới về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định và các nhân vật lịch sử trong cuộc khởi nghĩa này.
Tại hội thảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có nhiều bài tham luận làm rõ, nêu bật các chiến lược, chiến thuật quân sự, ý nghĩa, tác động; những sự kiện và di tích, dị vật tiêu biểu của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam kỳ và cả nước nửa sau thế kỷ XIX…
Hội thảo còn làm sáng tỏ việc bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích- di sản văn hóa Khởi nghĩa Trương Định trong công cuộc xây dựng, phát triển của tỉnh Tiền Giang; Phát huy tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong thời kỳ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tiền Giang hiện nay và giai đoạn mới…
Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Khoảng năm 1844, ông theo cha vào Gia Định, sau về Gò Công (Tiền Giang) lập nghiệp, khai hoang, lập đồn điền.
Năm 1859, khi Pháp xâm chiếm Gia Định, tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang ông đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, làm nức lòng quân dân và ông được suy tôn là “Bình Tây Đại Nguyên Soái”.
Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, cuộc khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất, ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ và cả nước nửa sau thế kỷ XIX. Dưới ngọn cờ “Bình Tây Đại Nguyên Soái” cuộc khởi nghĩa đã quy tụ nhiều tầng lớp tham gia diễn ra trên địa bàn rộng lớn ở khu vực Gia Định (Tiền Giang) và khắp các tỉnh Nam Kỳ gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề, tạo được nhiều tiếng vang lớn.
Ngày 20-8-1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định sau khi chiến đấu oanh liệt đến bị trọng thương, ông đã tuẫn tiết không để rơi vào tay giặc.
Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định đã nằm lại với mảnh đất Gò Công, để lại trong nhân dân lục tỉnh Nam kỳ nói chung, nhân dân Tiền Giang nói riêng niềm tiếc thương và sự kính yêu vô hạn. Cảm phục trước khí phách sáng ngời của vị Anh hùng dân tộc, nhân dân Gò Công, tỉnh Tiền Giang lập đền thờ và lễ giỗ của ông được duy trì tổ chức thường xuyên vào ngày 20-8 hằng năm, tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là nơi ông tuẫn tiết và thị xã Gò Công, nay là TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang là nơi xây dựng tượng đài và đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Ngày nay tại Tiền Giang vẫn còn tồn tại các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định năm xưa như: Chiến lũy pháo đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông); Lũy trại cá (xã Tăng Hòa); Ao Dinh (xã Tân Phước); Đám lá tối trời (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông). Lũy Đồng Sơn (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây); Lũy Dung Giang (xã Bình Đông, TP Gò Công); Vịnh đá hàn – nơi nghĩa quân Trương Định lấy đá ngăn sông Cửa Tiểu…