Hôm nay (21-1), Đại hội XII của Đảng chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội XII có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên, trong đó đại biểu đương nhiên có 197 người là ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết khóa XI; 1.300 đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương; 13 đại biểu chỉ định.
Sẽ thông qua các văn kiện quan trọng
Đại hội có chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đại hội sẽ tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong năm năm tới.
Đồng thời sẽ thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; báo cáo về tổng kết việc thi hành điều lệ Đảng khóa XI; báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình đại hội. Ảnh: TTXVN
Chủ nhật bắt đầu bàn nhân sự
Trước đó, phiên họp trù bị đại hội đã được hoàn tất trong buổi sáng 20-1. Nhiều vấn đề thể thức, đặc biệt là quy chế bầu cử tại đại hội đã được biểu quyết.
Phiên trù bị được bắt đầu sau khi 1.510 đại biểu viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp hương Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ngay khu vực trước quảng trường Ba Đình.
Dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, phiên họp đã diễn ra chặt chẽ. Các đại biểu thông qua quy chế làm việc của đại hội, trong đó có những quy định về việc trả lời báo chí của đại biểu.
Phiên trù bị cũng đã bầu Đoàn Chủ tịch 17 người, Đoàn Thư ký năm người - bộ phận sẽ trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động trong chín ngày diễn ra đại hội. Đồng thời bầu ra Ban Thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua báo cáo thẩm tra tư cách của 1.510 đại biểu dự đại hội.
Điều đáng chú ý ở kỳ đại hội này là quy chế bầu cử tại đại hội. Được thông qua tại phiên trù bị, quy chế có những quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo nguyên tắc tập trung - dân chủ trong công tác nhân sự, mang tính tiếp nối với Quy định 244 về quy chế bầu cử trong Đảng (Trung ương thông qua tháng 4-2014). Theo đó, tại Đại hội XII này, các ủy viên Trung ương đương nhiệm sẽ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách Trung ương đã chuẩn bị và cũng không được nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách tái cử.
Trước đó, dự thảo quy chế này được Trung ương chuẩn bị kỹ càng. Sau khi được thông qua ở Hội nghị 13, dự thảo được chuyển về 63 đoàn đại biểu thuộc Đảng bộ các tỉnh/thành và năm đoàn đại biểu Đảng bộ khối cơ quan trung ương, quân đội, công an, doanh nghiệp, ngoài nước... đã thảo luận, lấy ý kiến.
Cuộc họp trù bị cũng đã thông qua chương trình làm việc chính thức của Đại hội XII. Sau phiên khai mạc, đại hội sẽ dành hai ngày thảo luận về các văn kiện. Chủ nhật (24-1) sẽ đi vào phần nhân sự với việc nghe báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI gửi tới đại hội.
Danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Tại cuộc họp trù bị, các đại biểu đã bầu toàn bộ 18 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đương nhiệm vào Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch 17 người gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chỉ đạo Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết. Đoàn Thư ký năm người, do Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn. Ban Thẩm tra tư cách đại biểu do Ủy viên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ làm trưởng ban. |