Theo chương trình làm việc được giới thiệu trong buổi họp báo tuần trước, Trung ương sẽ thảo luận, thông qua các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dự toán ngân sách năm 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và đề ra các chủ trương, chính sách mới; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xem xét công tác nhân sự và các nội dung quan trọng khác.
Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với một số nguồn tin cấp cao sẽ có mặt trong hội nghị này. Họ cho biết đang rất quan tâm tới phần công tác nhân sự và “các nội dung quan trọng khác” mà đến nay vẫn chưa nắm cụ thể.
Quang cảnh một hội nghị Trung ương khóa XII. Ảnh: TTXVN
Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đột ngột vì trọng bệnh đang đặt ra khả năng kiện toàn nhân sự cho chức danh quan trọng này, nhất là khi kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, nơi về mặt pháp lý có thẩm quyền bầu ra Chủ tịch nước mới, đang đến gần.
Theo Quy định 90-QĐ/TW mà Bộ Chính trị ban hành tháng 8-2017, Chủ tịch nước ngoài các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn phải có các phẩm chất, năng lực sau:
Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trong một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Hiện Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh theo hiến định đang “giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới”. Bà Thịnh hiện đang là ủy viên Trung ương Đảng.
Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị Trung ương 8, liên quan đến câu hỏi về khả năng kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh văn phòng Trung ương, cho hay: “Theo hiểu biết của tôi thì quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch nước theo hiến định là liên tục. Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Phó Chủ tịch nước Đặng Thi Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước, thực hiện đầy đủ quyền hạn của Chủ tịch nước cả về đối nội và đối ngoại như bình thường. Còn việc Trung ương có xem xét, giới thiệu, quyết định giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước tại kỳ họp này hay không còn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị của các cơ quan có thẩm quyền. Việc chuẩn bị, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu là phải hết sức chu đáo, kỹ lưỡng”.