Hôm nay xử vụ án giết người ở Đồng Tâm

Dự kiến hôm nay (7-9), TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Theo dự kiến, phiên tòa kéo dài từ ngày 7 tới 17-9.

Có 29 bị cáo bị truy tố, trong đó 25 người bị cáo buộc tội giết người, bốn người còn lại hầu tòa về tội chống người thi hành công vụ. Hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Lập “tổ đồng thuận” để chiếm đất

Theo cáo trạng, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, trong đó có cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm, là đất quốc phòng. Điều này đã được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận.

Năm 2015, Bộ tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) ban hành quyết định thu hồi 50,3 ha đất do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý tại khu vực sân bay Miếu Môn để giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng dự án quốc phòng.

Cáo trạng xác định: Mặc dù nắm rõ nguồn gốc đất nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (trú thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu thành lập “tổ đồng thuận” với mục đích chiếm đất đồng Sênh. Những người trên thường xuyên lôi kéo nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm. Họ tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm, kêu gọi người dân thôn Hoành “đấu tranh để giữ đất”, hứa chia cho những người tham gia đòi đất và đi theo “tổ đồng thuận”.

Quá trình Tập đoàn Viettel triển khai dự án, “tổ đồng thuận” có nhiều hoạt động cản trở. Thậm chí, khi đoàn công tác của Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức về làm việc, ông Lê Đình Công cùng một nhóm người đã xông vào phòng họp chửi bới, lăng mạ khiến cuộc họp phải dừng lại.

Đến tháng 4-2017, lực lượng công an về xã Đồng Tâm thực hiện nhiệm vụ thì xảy ra vụ bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ. Công an TP Hà Nội sau đó ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản.

Đầu tháng 11-2019, Quân chủng Phòng không - Không quân có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn nên đề nghị Công an TP Hà Nội phối hợp triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự.

Biết được thông tin này, theo chỉ đạo của ông Lê Đình Kình, ông Lê Đình Công bàn bạc với nhiều người khác về việc mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí, phương tiện để tấn công lực lượng công an.

Tang vật vụ án. (Ảnh do công an cung cấp)

Ba chiến sĩ công an hy sinh

Cáo trạng nêu các bị cáo đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn, chế tạo hàng chục chai bom xăng, mua tuýp sắt có gắn dao bầu... Một số còn quay clip, đăng tải trên mạng xã hội với tuyên bố sẽ chống trả nếu công an đưa lực lượng về Đồng Tâm.

Rạng sáng 9-1, lực lượng công an đến cổng thôn Hoành để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch. Các bị cáo đánh kẻng báo động, dùng gạch đá, bom xăng, ném lựu đạn (nhưng không nổ) vào tổ công tác. Dù công an đã dùng loa phát thanh kêu gọi chấm dứt hành vi vi phạm nhưng tất cả không chấp hành.

Trước tình hình trên, ba chiến sĩ công an gồm Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân triển khai đội hình đột kích để trấn áp và bắt giữ những người chống đối.

Do bị tấn công bằng tuýp sắt có gắn dao bầu và gạch đá, ba chiến sĩ công an rơi xuống hố. Lúc này ông Lê Đình Chức cùng Lê Đình Doanh đổ xăng xuống hố, châm lửa đốt khiến cả ba chiến sĩ tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.

Tiếp đó, lực lượng công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ bắt giữ toàn bộ nhóm người chống đối, riêng ông Lê Đình Kình bị trúng đạn và tử vong. Cáo trạng mô tả thời điểm tử vong, trên tay ông Kình vẫn đang cầm một quả lựu đạn.

Cơ quan tố tụng xác định ông Lê Đình Kình cùng các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và Nguyễn Quốc Tiến giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa chỉ đạo các bị cáo khác vừa trực tiếp thực hiện tội phạm giết người.

Các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy là những người tham gia tích cực và trực tiếp thực hiện tội phạm giết người. Nhiều bị cáo khác bị nhóm cầm đầu xúi giục, lôi kéo, kích động nên đã tham gia đồng phạm với vai trò giúp sức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới