Hơn 1.000 chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Theo ông Đại, để thực hiện việc thu hồi nợ trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các cơ quan quản lý thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp còn nợ tiền bảo hiểm của người lao động kéo dài từ ba tháng trở lên trên địa bàn. Cùng với đó là cương quyết xử lý những doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm đóng các loại bảo hiểm trên làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Ông Đại cũng cho biết nếu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm, bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động khởi kiện các đơn vị nợ bảo hiểm ra tòa theo quy định. Bên cạnh đó, công khai danh tính đơn vị nợ tiền đóng bảo hiểm với số tiền lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nợ bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang trình ba phương án xử lý nợ đọng đối với các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Ảnh: VIẾT LONG

Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với ngân hàng để thu nợ khi doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động hoặc cho vay theo gói thầu mà có trả lương cho người lao động thì phải bắt buộc kèm theo tiền đóng các loại bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm phải đóng của doanh nghiệp. Đồng thời trích tiền đóng bảo hiểm của người lao động chuyển vào các quỹ bảo hiểm.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho biết hiện nay có khoảng 1.000 doanh nghiệp phá sản mà chủ bỏ trốn. “Đối với các doanh nghiệp này, chúng tôi đã có hướng dẫn chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đóng" - ông Đại thông tin thêm.

Ba phương án giải quyết quyền lợi cho người lao động

Phương án thứ nhất, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đến thời điểm người lao động nghỉ việc để làm cơ sở giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội hoặc chốt sổ bảo hiểm để người lao động chuyển đơn vị khác. Ngân sách nhà nước đảm bảo khoản tiền nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản mà sau khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp không đủ trả tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Phương án hai, tương tự như trên nhưng sau khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp giải thể, phá sản mà không đủ trả tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội thì quỹ bảo hiểm chịu khoản tiền nợ bảo hiểm xã hội không thu hồi được.

Phương án ba, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm đối với người lao động đến thời điểm đóng đủ bảo hiểm xã hội. Sau này nếu thu hồi được khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp thì sẽ xác nhận bổ sung cho người lao động. Sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng bảo hiểm xã hội được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm