Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lễ khai giảng năm học 2024-2025 thống nhất trên cả nước vào sáng 5-9. Lễ khai giảng được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường.
TP.HCM rộn ràng không khí vui tươi đón năm học mới
Sáng nay, tại TP.HCM, tham dự lễ khánh thành và khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có Bí thư Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM.
Tham dự lễ khánh thành và khai giảng tại Trường THCS Bình Trị Đông B có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Tại Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh, TP.HCM, trong buổi lễ khai giảng đã thực hiện mô hình “Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ một học sinh”.
Sáng nay, UBND huyện Hóc Môn cũng tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học tại Trường Tiểu học Lê Văn Phiên.
Trường tiểu học Lê Văn Phiên được xây dựng quy mô 15 lớp với 525 học sinh, sĩ số bình quân là 35 học sinh/lớp, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp từ năm học 2024-2025.
Theo hồ sơ thiết kế cơ sở và dự án đầu tư, trường tiểu học có quy mô 3 tầng (một trệt và 2 lầu) với diện tích đất xây dựng là 6.000 m2. Trong đó, diện tích sàn xây dựng là 5.131,01m2 thuộc địa bàn ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì.
Trường được thiết kế hiện đại với 20 phòng học, các phòng chức năng khác và các công trình phụ trợ. Trường tiểu học còn có hồ bơi, sân chơi, sân thể dục thể thao, bãi xe, nhà ăn... phù hợp với yêu cầu dạy và học của trường tiểu học.
Tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, có vị trí địa lý nằm tách biệt và gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhiều giáo viên, vẫn luôn bám trụ tại xã đảo để gieo chữ cho học trò.
Sáng nay, Trường Tiểu học Thạnh An cũng rộn ràng tổ chức lễ khai giảng năm học mới trong niềm vui của thầy cô và trò.
Học sinh các tỉnh, thành hân hoan dự khai giảng năm học mới
Cùng với học sinh trên cả nước, hơn 520.600 học sinh các cấp học ở Bình Dương cũng hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025.
Tham dự khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một), có ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương và bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết mặc dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thiếu giáo viên nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo và các em học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn với quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025 đã đề ra.
Tại Đà Nẵng, hòa chung không khí vui tươi ngày khai giảng, hơn 290.000 học sinh từ cấp mầm non đến THPT trên toàn thành phố đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025.
Cũng trong sáng này, hơn 2,3 triệu học sinh Thủ đô chính thức bước vào năm học mới 2024-2025.
Trong năm học mới này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết các trường tiểu học sẽ thực hiện thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Để thầy cô làm quen và triển khai thực hiện tốt nội dung này, sở đã tổ chức tập huấn cho hơn 300 cán bộ, giáo viên đến từ 76 trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Tại Quảng Trị, cùng với học sinh cả nước, sáng nay các em học sinh tại đây đến trường khai giảng năm học mới 2024-2025.
Đặc biệt, tại huyện miền núi, vào thời điểm bắt đầu năm học mới, lực lượng chức năng và các cô giáo, thầy giáo đã đi tận nhà vận động, tuyên truyền để các em học sinh đến trường học tập.
Lễ khai giảng năm học mới gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn), đọc thư của Chủ tịch nước... Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.
Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Thứ hai, ngành giáo dục đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo.
Ngành giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Mặt khác, ngành giáo dục tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT; tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học 2024-2025, toàn TP tăng 24.097 học sinh. Trong đó, bậc THPT tăng nhiều nhất với 16.999 học sinh 13.831 học sinh công lập và 3.168 ngoài công lập.
Tuy nhiên, năm học 2024-2025 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, số học sinh tăng nhiều ở cấp THPT (do chênh lệch giữa học sinh khối lớp 12 ra trường, và lớp 9 tốt nghiệp vào học lớp 10).
Đối với công tác xây dựng trường, lớp, dự kiến trong năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 412 phòng).
Ngày 5-9 sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 359 phòng). Sau ngày 5-9 cho đến hết tháng 12-2024 sẽ đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 53 phòng).
Năm học này, TP.HCM cần tuyển 3.522 giáo viên cho năm học mới.
Năm học 2024-2025, TP.HCM tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng trường học hạnh phúc và xây dựng dự thảo bộ tiêu chí để công nhận trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.