Theo báo cáo của New Scientist, hơn 3 triệu người dùng đã sử dụng ứng dụng kiểm tra tính cách myPersonality, các câu trả lời, thông tin cá nhân gồm họ tên, trạng thái, tuổi, giới tính, các mối quan hệ và những cập nhật trạng thái đều bị thu thập.
Ứng dụng myPersonality được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu tại ĐH Cambridge. Chỉ có các nhà nghiên cứu được phê duyệt mới có quyền truy cập vào dữ liệu, tuy nhiên trang New Scientist cho biết chỉ với vài thao tác tìm kiếm trên Internet, bạn sẽ có ngay tên người dùng và mật khẩu dùng để truy cập vào kho dữ liệu chỉ trong chưa đầy một phút, dễ dàng tải xuống mọi thông tin cá nhân.
myPersonality có rất nhiều điểm tương đồng với ứng dụng của Công ty Cambridge Analytica. Nhóm phát triển ứng dụng myPersonality cho phép bất kỳ nhà nghiên cứu nào đồng ý sử dụng dữ liệu ẩn danh đều có thể đăng ký để truy cập vào kho dữ liệu được thu thập. Tổng cộng có khoảng 280 người được cấp quyền truy cập, bao gồm cả nhân viên Facebook và các công ty công nghệ lớn khác.
Trước đó, Công ty Cambridge Analytica đã thu thập thông tin của hơn 87 triệu người thông qua ứng dụng kiểm tra tính cách thisisyourdigitallife. Trong cả hai trường hợp kể trên, ứng dụng đều được phát triển bởi các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Cambridge, đặc biệt là Aleksandr Kogan.
Kogan là tác giả của thisisyourdigitallife và theo New Scientist, ông cũng nắm một phần trong dự án myPersonality cho đến giữa năm 2014. ĐH Cambridge chia sẻ với New Scientist rằng dự án myPersonality đã được bắt đầu trước khi người sáng tạo của nó gia nhập trường đại học.
Facebook đã gỡ bỏ ứng dụng myPersonality như một phần trong nỗ lực tìm ra các ứng dụng vi phạm chính sách bảo mật dữ liệu của công ty. Nhưng sự việc vẫn là một điểm đen lớn gây ảnh hưởng không nhỏ cho mạng xã hội, vốn đã bị chỉ trích vì không thể bảo vệ dữ liệu người dùng.
Dù 3 triệu tài khoản người dùng bị rò rỉ thông tin trong đợt này nhỏ hơn khá nhiều so với 87 triệu tài khoản được thu thập bởi Cambridge Analytica nhưng câu chuyện vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo mật dữ liệu của người dùng.
Làm thế nào để tránh bị lộ thông tin cá nhân?
1. Máy tính
Hiện vẫn còn khá nhiều người không hề quan tâm đến vấn đề bảo mật, cứ thoải mái đăng nhập bằng tài khoản Facebook, chơi game, chia sẻ thông tin cá nhân vô tư trên Internet.
Ví dụ, khi bạn cài đặt ứng dụng, nhà phát triển sẽ yêu cầu quyền truy cập vào danh sách bạn bè, hình ảnh hoặc các thông tin cá nhân, nếu cảm thấy không cần thiết, bạn có thể bỏ chọn hoặc không tiếp tục cài đặt. Tuy nhiên, nếu đã lỡ cài đặt, người dùng chỉ cần thực hiện các bước sau đây để gỡ bỏ.
Đầu tiên, bạn hãy mở trình duyệt và đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân. Tiếp theo, người dùng chỉ cần bấm vào biểu tượng mũi tên ở góc trên bên phải và chọn Settings (cài đặt) > Apps & Websites (ứng dụng và trang web) hoặc truy cập trực tiếp vào địa chỉ https://www.facebook.com/settings?tab=applications.
Tại đây sẽ bao gồm danh sách các ứng dụng mà bạn đã đăng nhập bằng tài khoản Facebook. Để gỡ bỏ, người dùng chỉ cần rê chuột lên biểu tượng và bấm vào dấu “x” ở góc phải mỗi ứng dụng hoặc nhấn Xóa.
2. Smartphone
Nếu đang sử dụng các thiết bị iOS (iPhone, iPad và iPod Touch), bạn hãy mở ứng dụng Facebook, bấm vào biểu tượng menu và tìm đến phần Settings & Privacy (cài đặt và quyền riêng tư) > Account Settings (cài đặt tài khoản).
Trong cửa sổ tiếp theo, người dùng hãy tìm đến mục Apps (ứng dụng) > Logged in with Facebook (đã đăng nhập bằng Facebook). Chạm vào các ứng dụng, trò chơi không cần thiết và nhấn Remove app (gỡ bỏ ứng dụng). Thực hiện tương tự trên các thiết bị chạy Android.
Việc chia sẻ thông tin cá nhân tràn lan, chấp nhận vô tội vạ các điều khoản của nhà phát triển đã khiến nhiều người bị bạn bè Unfriend (hủy kết bạn) vì thường xuyên gửi lời mời game mặc dù không hề chơi game đó.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
- Thứ 2, 4: Thủ thuật Android.
- Thứ 3, 5: Thủ thuật iOS.
- Thứ 6, 7: Những sự kiện hay, nóng bỏng trong tuần.